1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thẩm định điều tra tiềm năng bauxite ở các tỉnh miền Nam

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxite, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam”.

Nhà máy alumin Tân Rai (Ảnh minh họa)
Nhà máy alumin Tân Rai (Ảnh minh họa)

Theo đó, Hội đồng thẩm định do TS Đỗ Cảnh Dương - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm Chủ tịch; ông Phạm Trung Lượng - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Chủ tịch. Các ủy viên Hội đồng gồm đại diện Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Tổng hội Địa chất Việt Nam, Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có liên quan.

Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam là sản phẩm của Đề án “Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxite, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2034 ngày 15/11/2011.

Đề án được thực hiện với mục tiêu chính nhằm điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxite, quặng sắt laterit trong đới phong hóa bazan có tuổi Neogen, Pleistocen làm cơ sở lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite, quặng sắt phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề án có 4 nhiệm vụ chính: Điều tra, khoanh định các diện tích, đặc điểm phân bố, xác định bề dày quặng bauxite, quặng sắt laterit bằng đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50:000; đánh giá tiềm năng tài nguyên dự tính cấp 333 và tài nguyên dự báo cấp 334a trên các diện tích có triển vọng; nghiên cứu mẫu công nghệ, thử nghiệm luyện gang từ quặng sắt laterit để xác định khả năng thu hồi, làm giàu quặng và hiệu quả kinh tế; lựa chọn các diện tích đủ điều kiện để chuyển giao quy hoạch thăm dò, khai thác.

Đề án này được thực hiện tại 7 vùng, với tổng diện tích điều tra trên 11.884 km2 trên địa bàn các tỉnh: Kon Tum, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm