Thảm cảnh vừa bụi vừa lầy trên "con đường đại gia" ở Hà Nội
(Dân trí) - Phố Keo (Hà Nội) được mệnh danh là "đường đại gia" vì nơi đây la liệt những ổ trâu, ổ voi ngập tràn nước như hồ bơi mỗi khi mưa xuống. Sau phản ánh của Dân trí, UBND huyện Gia Lâm lên tiếng...
Ngày 13/5, báo Dân Trí phản ánh tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường dài gần 700m qua phố Keo, Sủi. Sau trận mưa lớn, những ổ gà, ổ voi ngập nước nhìn như những “hố bom” trên đường khiến nhiều người dân ở đây không dám ra đường vì sợ tai nạn giao thông.
Nhưng khi trời nắng lên cũng là lúc những ổ gà, ổ voi trên phố Keo “hiện nguyên hình” với đường kính rộng vài mét, sâu tới nửa mét. Những phương tiện qua đoạn đường này chỉ có thể chạy với tốc độ rất chậm nếu không muốn bị đổ, thậm chí là lật xe.
Nhiều người dân địa phương cho biết việc sửa chữa đường từ đầu năm 2020 đến nay được thực hiện 5 lần. Đơn vị duy tu, sửa chữa chở vật liệu đá dăm, xỉ thải xây dựng đến đổ kín các “hố bom”. Sau đó, tiến hành san gạt để làm bằng phẳng mặt đường.
“Không thể chấp nhận được cách sửa đường như thế này. Chỉ cần một trận mưa xuống là lớp đá dăm, xỉ thải ấy sẽ bị cuốn trôi. Trời nắng, những chiếc xe tải trọng lớn chạy qua cuốn bụi lên mù trời”, anh Nguyễn Đức Thanh, người dân phố Keo, Gia Lâm chia sẻ.
“Đoạn phố này chưa thi công xong nên nước thải không có chỗ đổ. Người dân đổ ra đường khiến cho mặt đường càng xuống cấp nhanh”, ông Nguyễn Văn Đồng, người dân phố Keo cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm cho biết đường phố Keo xuống cấp là do nhiều nguyên nhân.
Mỗi ngày, hàng ngàn lượt xe container, xe rơ-mooc trọng tải lớn vì né trạm thu phí trên quốc lộ 5 mà chọn đi qua đây khiến mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng, xuất hiện ngày càng nhiều ổ gà, ổ voi. Dự án thi công tuyến đường này đã hơn 12 năm nay chưa hoàn thiện.
Đường không có hệ thống thoát nước nên nước thải của cư dân đổ thẳng ra đường.
Về việc duy tu, sửa chữa mặt đường, vị đại diện UBND huyện Gia Lâm cho biết Sở Giao thông Vận tải là đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường này, có hợp đồng với một công ty để duy tu, duy trì hoạt động của đường. Tuy nhiên, việc duy tu, sửa chữa không đảm bảo dẫn đến mặt đường liên tục hỏng hóc.
“Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm nhiều lần có kiến nghị với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong việc duy tu, duy trì đường để đảm an toàn giao thông cho người dân nhưng thực tế đường vẫn hỏng”, ông Tú cho biết.
Nguyễn Bắc - Đỗ Quân