1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thái Bình, Nam Định yêu cầu nhà xe tuân thủ điều chuyển luồng tuyến của Hà Nội

(Dân trí) - Sau khi nhận được thông tin các nhà xe ở 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định đình công, phản ứng việc điều chuyển luồng tuyến, Sở Giao thông Vận tải 2 tỉnh này đã yêu cầu Hiệp hội Vận tải hành khách của Thái Bình và Nam Định vận động các nhà xe tuân thủ quyết định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Liên quan đến sự việc: “Hàng chục xe khách nối đuôi về Hà Nội phản ứng việc điều chuyển luồng tuyến”, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình, có 66 xe thuộc 17 doanh nghiệp vận tải của tỉnh này tham gia đoàn trên. Ngay sau khi nắm được thông tin về sự việc trên, phía Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình đã điện thoại cho lãnh đạo 17 doanh nghiệp đang tham gia đình công, phản ứng việc điều chuyển luồng tuyến yêu cầu các doanh nghiệp này đưa xe về.

Hàng dài xe khách kéo đuôi trước trạm thu phí Pháp Vân (ảnh Phong Nguyên)
Hàng dài xe khách kéo đuôi trước trạm thu phí Pháp Vân (ảnh Phong Nguyên)

Phía UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Hiệp hội Vận tải hành khách Thái Bình tuân thủ quyết định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Vào ngày 28/2, khi sự việc xảy ra, phía Công an tỉnh Thái Bình đã đưa một tổ CSGT và các cơ quan chức năng lên khu vực các xe đang đỗ ở trạm thu phí Pháp Vân để vận động trực tiếp các lái xe không tham gia phản ứng, đưa xe về Thái Bình.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình cũng đề nghị để các doanh nghiệp vận tải Thái Bình đối thoại với lãnh đạo bến xe Nước Ngầm, bến xe Mỹ Đình và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để làm rõ vấn đề vướng mắc.

Tại Nam Định, ông Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định cho biết: “Ngay sáng sớm ngày 28/2, khi nhận được thông tin có xe của Nam Định, Thái Bình tham gia đoàn xe trên, Sở này đã triệu tập lãnh đạo Hiệp hội Vận tải và lãnh đạo các doanh nghiệp trên toàn tỉnh, tiến hành rà soát trên toàn tỉnh và xác định chỉ có 2 xe của 2 công ty vận tải tham gia”.


Các tài xế mang theo đồ ăn, nước uống để cầm hơi (ảnh: Phong Nguyên)

Các tài xế mang theo đồ ăn, nước uống để "cầm hơi" (ảnh: Phong Nguyên)

Sau khi xác định được 2 xe này, phía Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định đã yêu cầu 2 xe này tách đoàn. Đến 16h chiều 28/2, Nam Định không có xe nào tham gia. Phía Hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp vận tải hành khách Nam Định cũng đã cam kết tuân thủ quyết định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về việc chuyển tuyến.

Về phía các doanh nghiệp vận tải, theo ông Lê Văn Thu, Giám đốc công ty CP vận tải Long Thu, trụ sở đóng đường Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi có hơn 20 xe tham gia đoàn và có 18 xe chạy tuyến Mỹ Đình theo hạn hợp đồng đến năm 2020, nhưng 18 xe này đều bị ảnh hưởng từ quyết định chuyển tuyến. Cả 18 xe đều có giá trên 2 tỷ đồng và đều phải vay ngân hàng đến 80%. Gần 2 tháng nay, xe chuyển sang bến Nước Ngầm, lượng khách sụt giảm hẳn so với bến Mỹ Đình trước đây, mỗi xe lỗ hàng tháng khoảng 50 triệu đồng. Việc điều chuyển này sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí làm doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản”.

Đức Văn