1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Thái Bình muốn "xóa sổ" hơn 11.000ha khu bảo tồn để xây đô thị, sân golf?

Thế Kha

(Dân trí) - Thái Bình quyết định thu hẹp Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha để xây đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf nhưng không xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học vừa báo cáo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731/2023 xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải), còn gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải.

Theo quyết định này, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bị thu hẹp diện tích từ 12.500ha xuống còn 1.320ha (giảm 11.050ha, tương đương gần 90%). Phần diện tích này sẽ được xây dựng thành khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ (đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng).

Thái Bình muốn xóa sổ hơn 11.000ha khu bảo tồn để xây đô thị, sân golf? - 1

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (Ảnh: Thu Cúc).

Không xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường

Lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải có giá trị đa dạng sinh học cao và cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa huyện Tiền Hải; góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của tỉnh Thái Bình.

Nơi đây chứa đựng các sinh cảnh quan trọng của 215 loài chim với nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, 116 loài thực vật, 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận vào năm 2004, cũng đã khẳng định rõ tầm quan trọng và giá trị đa dạng sinh học của khu bảo tồn đối với quốc gia và thế giới.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học báo cáo, đến thời điểm này chưa hề nhận được công văn xin ý kiến về vấn đề trên từ tỉnh Thái Bình.

"Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường. Do vậy, chế độ quản lý, điều chỉnh diện tích, ranh giới của khu bảo tồn không chỉ tuân thủ theo pháp luật về lâm nghiệp mà còn phải tuân thủ theo pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường. Theo đó, đối với điều chỉnh diện tích, ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cấp tỉnh phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường", Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nhấn mạnh.

Quyết định số 731 của UBND tỉnh Thái Bình đã điều chỉnh diện tích khu bảo tồn thiên nhiên giảm tới gần 90% có ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho rằng Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải cần tiếp tục được duy trì và bảo vệ đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh về các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với việc điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải.

Thái Bình muốn xóa sổ hơn 11.000ha khu bảo tồn để xây đô thị, sân golf? - 2

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải chứa đựng các sinh cảnh quan trọng của 215 loài chim, 116 loài thực vật, 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát (Ảnh: vietnamwildlife.org).

Cần hết sức thận trọng!

Trao đổi với báo chí về quyết định trên của UBND tỉnh Thái Bình, đại diện Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho rằng, việc thu hẹp tới 90% Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải cần hết sức thận trọng, tuân thủ luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải nằm ở phía bắc cửa biển sông Hồng, phía nam cửa sông là Vườn Quốc gia Xuân Thủy - hai khu vực duy trì một đơn vị sinh thái liên tục.

Từ năm 1989, Vườn Quốc gia Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar (công ước về các vùng đất ngập nước) đầu tiên của Việt Nam. Năm 1995, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có quyết định mở rộng khu vực Ramsar bao gồm cả Cồn Vành và Cồn Thủ, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải.

Đại diện WWF Việt Nam phân tích, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, đặc biệt là các dải rừng ngập mặn sẽ trở thành những lá chắn tốt nhất để bảo vệ sinh mạng, tài sản cũng như sinh kế của người dân ven biển.

Các hệ sinh thái ven biển không những là nơi cung cấp dinh dưỡng, nơi sinh cư, bãi sinh sản của nhiều loài động vật thủy sinh, mà còn là nguồn sinh kế quan trọng của người dân ven biển trong các hoạt động canh tác, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

WWF Việt Nam bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương, các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay góp sức để bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững, bảo tồn những di sản thiên nhiên và văn hóa quý giá của đất nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm