(Dân trí) - Chúng tôi xin kể lại câu chuyện dưới góc nhìn của những người được cứu về từ cửa tử, những gia đình mất mát trong đại dịch Covid-19, và những "anh hùng thời bình" gác nỗi đau để hoàn thành nhiệm vụ…
Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (ngụ quận 1, TPHCM): Tháng 3/2020, gia đình chị tham gia tổ chức bếp ăn hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Đến tháng 8/2022, sau khi nhiễm Covid-19, anh Cường (chồng chị) đột ngột qua đời. Trước tấm lòng cao cả vì cộng đồng của anh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi làm cảm ơn và bằng khen đến gia đình.
"Đối với mọi người, anh ấy có thể bình thường. Sau này, khi đại dịch qua đi, vết thương chữa lành, mọi thứ rồi sẽ rơi vào kí ức. Nhưng với tôi, được ở cạnh anh, cùng anh hơn 20 năm làm thiện nguyện và suốt 2 năm nấu bếp ăn cho đội ngũ nhân viên y tế,… đó mãi mãi là từng khoảnh khắc không bao giờ quên.
Tôi chưa bao giờ hối hận về cái ngày đồng ý làm vợ của Cường "Béo". Chưa một phút giây nào!
Mẹ tôi mất vì Covid-19 chưa bao lâu, đến đầu tháng 8, lần lượt 22 thành viên của bếp ăn 0 đồng cũng là F0. Lúc đó, mọi thứ thật sự tan tác. Mỗi người cách ly một nơi, không có cách nào liên lạc. Riêng anh Cường, đến phút cuối vẫn khăng khăng ở nhà, vừa điều trị vừa tiếp tục điều phối xe thức ăn cho các bệnh viện từ xa.
Rồi đùng một cái vài ngày sau, chúng tôi nhận tin 4 người mất. Đến ngày 17/8/2021, sức khỏe anh Cường cũng rơi vào nguy kịch.
Trước khi lên xe cấp cứu nhập viện, anh ấy gọi điện cho tôi. Lần cuối cùng qua điện thoại, dù tay chân đã mềm, miệng thoi thóp thở mask, anh vẫn dặn: "Còn 1.000 phần bánh, chiều nay em thay anh gửi vào cho bác sĩ".
Hồi ấy, con gái của chúng tôi đang là nhân viên y tế điều trị Covid-19. Thấy bệnh nhân ở khu dã chiến thiếu thốn trăm bề, ngày nào anh Cường cũng nhờ con mang nước lọc, trà xanh, thùng xốp đựng khăn lạnh… rồi vừa đeo bình oxy, vừa đi đắp khăn chống sốt, chăm sóc cho từng bệnh nhân nặng.
Anh ấy thế đấy! (Khóc).
Đến tận buổi sáng 21/8/2021, trước giờ mất, người ta vẫn thấy anh tay chân táy máy phát nước cho F0. Vậy mà 19h, tiếng nhịp thở ngừng lại, nhiều người trong bệnh viện bật khóc, chẳng ai tin anh mất.
Cả cuộc đời anh Cường ngộ lắm! Anh chỉ có một tâm nguyện lập cái nhà ăn miễn phí này cho tất cả người dân tha hương ở Sài Gòn. Rồi 20 năm, 2 vợ chồng bán buôn được bao nhiêu, anh ấy làm từ thiện bấy nhiêu. Lúc nào cũng chân đất, đi khắp trăm miền để xây chùa, xây đường, xây nhà,… cho dân.
Tận bây giờ, 4 đứa con đã lớn, chúng tôi vẫn "ăn nhờ ở đậu" nhà người thân, hôm đưa tro cốt anh về còn không có chỗ thờ… Nhưng gia đình chúng tôi luôn hạnh phúc.
Bởi chúng tôi biết anh Cường đã sống một cuộc đời ý nghĩa, ngay cả khi mất.
Và sau này, tụi nhỏ nhà tôi, chúng vẫn tiếp tục đăng kí tham gia tuyến đầu chống dịch-19, mở lớp học tình thương cho tụi trẻ mồ côi vì Covid-19… Tất cả đều đang thay anh sống tiếp một cuộc đời đáng sống!"
Chị Bảo Ngọc (29 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM): Mắc Covid-19 khi đang mang thai ở tháng thứ 5, phổi xơ cứng trên 70% và được chẩn đoán khả năng sống sót 10%. Thế nhưng, sau hơn 45 ngày chiến đấu, với nỗ lực của hàng chục nhân viên y tế Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chị đã hồi phục diệu kỳ.
"Đối với tôi, sự sống của bản thân, đứa con gái và hạnh phúc gia đình… tất cả đều là kỳ tích mà các y bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã trao tặng cho tôi thêm lần nữa.
Giữa tháng 8, 4 thành viên trong nhà tôi đột ngột thành F0. Riêng tôi đang ở tháng thai kỳ thứ 5 nên càng trở nên kinh khủng hơn bao giờ hết.
Thời gian đầu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, tôi ho liên tục, tiêu chảy, rồi mất vị giác. Khi đó, tôi được tiên lượng nguy kịch, thế nhưng bào thai còn quá nhỏ để có thể cứu sống nên đặt bác sĩ vào bài toán hóc búa: Hoặc là có cả hai, hoặc là mất cả hai!
Tôi tỉnh dậy lần thứ 2 thì đã là ngày thứ 5 ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TPHCM. Xung quanh hàng loạt bệnh nhân nằm bất động. Tôi được bác sĩ đặt máy thở, ống thực quản để duy trì dinh dưỡng nuôi đứa trẻ trong bụng.
Họ túc trực cạnh bệnh nhân 24/24h. Mặc dù đã đeo máy thở, nhưng 2 lá phổi đông cứng như quả tạ, trì cả cơ thể xuống khiến tôi thoi thóp, hụt hơi và đau đớn cả ngày lẫn đêm.
Mỗi ngày, điều dưỡng chỉ cho tôi uống ít sữa, dặm quanh môi vài thìa nước nhỏ để chống loét miệng vì ho dai dẳng.
Sau này qua lời gia đình kể lại, thời điểm được chuyển vào Bệnh viện Hồi sức Covid-19, phổi tôi đã hư hại hoàn toàn, sự sống chỉ còn ở mức 10%. Cả nhà đều nghĩ tôi không còn khả năng sống sót.
Bạn biết không? Lần cuối cùng tôi gặp ba má qua điện thoại là khi tôi còn tỉnh táo. Mãi đến ngày thứ 7, bác sĩ đem điện thoại vào, giúp tôi gọi về cho gia đình. Bố nhìn thấy tôi thoi thóp thở, ông òa lên nức nở.
Những tưởng mọi thứ đã qua thì ngày thứ 10, tôi tiếp tục bị sốc phản vệ. Cơ thể tôi lạnh toát mặc bác sĩ đã quấn 10 chiếc mền và máy sưởi bọc chân tay. Vài phút sau, SpO2 rơi xuống 40. Nhân viên y tế đã đứng thành hàng, khẩn cấp và vội vã.
Khi đó, trong cơn mê man, tôi nắm tay bác sĩ Trần Thanh Linh, gào lên tuyệt vọng: "Bác ơi, cứu con. Bác ơi cứu con…".
"Không sao đâu… Con không sao đâu" - tiếng ông vang lên.
Mãi đến khi ánh đèn kiểm tra đồng tử đánh thức, tôi mở mắt ra, bác sĩ Trần Thanh Linh vẫn ở đó. Chẳng ai biết đã là bao lâu, nhưng căn phòng đều vỡ òa hạnh phúc.
Do di chứng Covid-19 kéo dài 45 ngày, đứa con trong bụng tôi được chẩn đoán chậm phát triển. Vậy mà may mắn ngày con bé chào đời, nó vẫn nặng 2 ký 6, kháu khỉnh và hồng hào.
Đến tận bây giờ, ngoại trừ những cái tên viết nguệch ngoạc trên áo bảo hộ, tôi vẫn chưa bao giờ biết mặt y bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Nhưng tôi vẫn đặt tên con gái mình là Trần Tuệ Linh - chữ Linh trên tấm áo bác sĩ Trần Thanh Linh - người đã đưa mẹ con tôi quay trở lại cuộc sống một lần nữa…"
Thiếu tá Đinh Tiến Dũng (Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự Công an quận 1, TPHCM): Trong thời gian đang tham gia tuyến đầu chống dịch, 5 người nhà thiếu tá Đinh Tiến Dũng mắc Covid-19, riêng cha anh đột ngột qua đời. Nén thương đau, vị thiếu tá vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng xanh cho địa bàn quận 1, TPHCM.
"Ngày cả nhà đoàn tụ, phải nói sao cho đúng nhỉ? Đó là ngày đau buồn nhất!
Thời gian mẹ đang điều trị tại bệnh viện dã chiến, lo sợ bà quỵ ngã, tôi đành giấu nhẹm chuyện về cái chết của cha. Đến khi bà trở về nhà, nhìn thấy hũ tro cốt nằm lạnh trên chiếc bàn ăn, mẹ tôi khóc không ngừng. Ngay cả tận bây giờ, bà vẫn vậy!
Ngày 14/7, Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự Công an quận 1 nhận nhiệm vụ thực hiện 3 tại chỗ, ở lại cơ quan hoàn toàn để trực chốt kiểm soát, tuần tra và tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19 đến người dân.
Tôi đi chẳng bao lâu thì ngày 17/7/2021, bố tôi dương tính. Thời điểm đó, cái chết vì Covid-19 còn rất mới ở Sài Gòn, nên rất kinh khủng.
Buổi chiều sau khi biết tin là F0, bố tôi tự sắp xếp quần áo, chào lần lượt gia đình rồi đến Bệnh viện Công an 30/4 (quận 5, TPHCM). Sau đó, mẹ, em trai và 2 đứa con (5 tuổi và 8 tuổi) cũng đi cách ly ở những khu thu dung khác nhau, chẳng ai liên lạc được với ai.
Đó là khoảng thời gian khó khăn và áp lực vô cùng! Ban ngày tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ tại chốt kiểm soát. Buổi tối vừa lo cho ba, vừa mang đồ dùng sinh hoạt cho mẹ và 2 con nhỏ. Những ngày cuối cùng bố trở nặng, đã thở máy và suy đa tạng, gần như tôi chẳng bao giờ dám tắt điện thoại vì sợ một tin xấu đột ngột.
Thế rồi, 21h ngày 11/8/2021, phía bên kia đầu dây, bác sĩ cũng thông báo: "Cha anh đã mất!". Tôi khóc.
Hôm sau, đơn vị tạo điều kiện cho tôi lái xe xuống một nhà hỏa táng tại Bình Dương để nhận tro cốt của ba. Đưa ông về đến nhà, đặt tạm trên bàn, tôi cúi chào ông lần cuối rồi vội vàng quay về đơn vị.
Giữa tháng 8, dịch bệnh Covid-19 diễn biến càng phức tạp. Khi đó, Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự Công an quận 1 đang giữ 21 chốt điểm ra vào quận, nhiều thời điểm anh em phải đứng trực suốt 24/24h.
Đến ngày 6/9 thì tôi mắc Covid-19, rồi tiếp theo thêm nhiều anh em nữa. Thời điểm đó, Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự Công an quận 1 có 30 người thì một nửa đã là F0. Nhưng chỉ cần có giấy âm tính trở về nhà, chưa đợi đủ 14 ngày cách ly, tất cả đều tình nguyện quay trở lại cơ quan, xung phong tuyến đầu đi tuần tra, giúp đỡ người dân.
Có lẽ Covid-19 đã lấy của gia đình tôi rất nhiều thứ. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn thấy mình may mắn. Bởi vào những ngày Sài Gòn thảm khốc ấy, có gia đình đột ngột mất tất cả, trẻ thơ bỗng chốc thành mồ côi,… 5 người trong nhà tôi đi cách ly, 4 người vẫn an toàn quay trở về.
Và vì trong giờ phút cuối cùng tiễn biệt cha, tôi vẫn hoàn thành tâm nguyện được đưa ông trở về nhà sau 1 ngày.
Đó là niềm an ủi!"
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Ip Thiên, Anh Tú, NVCC
Thiết kế: Khương Hiền