1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tết này, gói bánh chưng để không phải ăn… pin

(Dân trí) - Dù chỉ gói vài ba chiếc bánh chưng, nhưng có những người dân Hà Nội vẫn hăm hở lá dong - gạo nếp - sắp nồi. Hỏi ai cũng nhận được một câu trả lời rất “Tết”: để lưu giữ giá trị truyền thống, tạo không khí gia đình. Nhưng năm nay, còn một lý do nữa không kém phần quan trọng: để không phải ăn… pin!

Nỗi sợ mang tên “pin”

 

Phố ga Trần Quý Cáp, nơi tập kết lá dong, lạt gói bánh mỗi dịp Tết đến xuân về. Bà Hường sống ở phố Nguyễn Như Đổ, gần ga, chọn một ôm lá lớn. Bà tính gói tới 50 chiếc bánh cho cả gia đình mình và 2 nhà hàng xóm. Hỏi về cách làm cho bánh xanh, rền, bà Hường hồ hởi khoe cái nồi tôn hơn trăm lít của nhà mình. Luộc bằng nồi tôn, bánh xanh mướt mà không cần cho chì hay lõi pin vào nồi - đó là kinh nghiệm mấy năm gói bánh bán của bà Hường. Năm nay tạm bỏ nghề nhưng bà Hường cũng không tin tưởng mua bánh bán sẵn, tự gói cho an toàn.

 

Hai vị khách khá trẻ đang lúi húi xem tập lá dong. Cậu em Trương Ngọc Tân vui vẻ kể, từ bé gia đình cậu vẫn duy trì việc gói bánh. Mấy năm trước, nếp cũ này phải ngưng lại vì sống giữa phố Kim Mã, việc củi lửa không tiện.

 

Năm nay, nghe thông tin bánh chưng luộc kèm pin, chì, thấy rùng mình mỗi lần xắn miếng bánh “hàng chợ”. Thế nên gia đình cậu quyết định trở lại nếp cũ. Có điều, bếp lửa sẽ được thay bằng bếp than tổ ong 3 viên. “Kém thú vị nhưng còn hơn ăn bánh hàng”, Tân nói.

 

Cô Lưu Thị Nguyên ở Dã Tượng thì cho rằng chuyện bánh chưng xanh nhờ pin đã có từ lâu, có điều năm nay báo chí mới làm “găng”. “Chắc chắn là không bình thường. Mình luộc bánh phải 10-12 tiếng đồng hồ mới chín kỹ, chín rền. Cho pin vào mà rút thời gian xuống còn 3-5 tiếng đã được nồi bánh thì không hiểu chất lượng thế nào” - cô Nguyên tỏ rõ sự băn khoăn. Đó chính là động lực khiến cô Nguyên duy trì việc gọi bánh chưng ngày Tết.

 

Mọi nguyên liệu đều tăng giá

 

Lá dong tuỳ loại lớn, nhỏ giá bán 12.000 đồng/bó 40-50 tàu lá. Nếu chọn kỹ từng lá để lựa tàu lá bánh tẻ, to, xanh ngắt, không bị rách thì giá có thể gấp rưỡi. Hầu hết người mua không mặc cả nhiều vì chỉ có chục chiếc bánh, chủ yếu mua lá gói sao cho đẹp, đều.

 

Cô Vũ Thị Nga, sống tại khu tập thể văn nghệ sĩ, phố Núi Trúc chỉ chọn vài tàu lá, gói 1kg gạo, chừng 3 chiếc bánh. Cô Nga bảo gói cho trẻ nhỏ vui, chứ “ăn tết bây giờ là “ăn” không khí chứ đâu phải ăn thật”. Cô cũng cho biết, lá dong, lạt gói năm nay đắt hơn mọi năm đáng kể, từ gấp rưỡi đến gấp đôi.

 

Một người chủ đổ mối buôn lá dong cũng gật đầu xác nhận lá năm nay không được đẹp nhưng lại đắt hơn năm ngoái. Anh chỉ một đon lá lớn chừng 1 vòng tay người ôm, giá đổ buôn là 140.000 đồng nhưng tỷ lệ lá rách, xơ, hỏng khá nhiều.

 

Gạp nếp thì đã theo giá gạo tăng từ vài tháng nay. Hiện tại, giá nếp ngon, đều hạt, không lại gạo khi luộc bánh, giá đã lên khoảng 93.000-99.000 đồng/yến. Cô Nguyên chỉ tập lá dong, bó lạt mình vừa mua với giá 35.000 đồng. Cô cho biết, năm nào cũng chỉ gói 5kg gạo, chừng 12 chiếc bánh vừa để nhà ăn tết, vừa để cho biếu họ hàng.

 

“Của một đồng công một nén”, cô tính, tự gói bánh ở nhà tính ra còn đắt hơn bánh đi mua sẵn. Nhưng mùi thơm nồi bánh sôi lục bục, cảnh đầm ấm khi cả nhà quây quần bên nồi bánh, đám trẻ háo hức chờ vớt bánh, tất cả những điều đó mới thực sự làm nên một không khí Tết cổ truyền trọn vẹn.

 

Phương Thảo - Kim Tân