1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tết của những cư dân xóm chạy thận

Con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) những ngày cận Tết cờ hoa rợp ngõ, người qua kẻ lại tấp nập, rộn ràng.

 

129 bệnh nhân bệnh viện Bạch Mai đang ngày ngày đợi chạy thận, cùng nhau thuê trọ ở đây, cùng sống trong không khí háo hức của những ngày đặc biệt nhất trong năm. Nhưng với nhiều người trong số họ, Tết này cũng như nhiều Tết trước, không phải là Tết đoàn viên...

Nỗi buồn ngày Tết

Tôi đến đây vào một chiều tháng chạp lạnh giá. Gần Tết, đông đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà cho các bệnh nhân hơn. Mọi người đứng xếp thành hai hàng nghiêm chỉnh, chăm chú hướng về phía đoàn từ thiện đợi tên của mình được gọi. 

Ở đó đã xuất hiện bao nụ cười rạng rỡ cùng những nếp nhăn chứa đầy đau thương, khổ hạnh. Họ đều là các bệnh nhân suy thận nặng, phải lọc máu thường xuyên để tiếp tục sự sống.

Trong con ngõ nhỏ rêu bám đặc tường, tiếng nhạc, tiếng nói cười dường như không ngớt vào tuần giáp Tết, 129 con người, 129 số phận không ai giống ai nhưng tất cả đều gặp nhau ở ba điểm: khổ, khó và xa. 

Khổ vì bệnh tật, khó vì kinh tế và đều phải ở xa gia đình. Bỏ qua những thiếu thốn về điều kiện vật chất, họ luôn ở bên hỗ trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn nhất. Cuộc sống không có người thân bên cạnh khiến các thành viên trong xóm thấm thía hơn câu tục ngữ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.

Cô Hoàng Thị Tuất (50 tuổi), tâm sự về nỗi niềm luôn canh cánh trong lòng: “Cô ở đây gần 18 năm, phải đến 8 năm cô không được ăn Tết với gia đình. Năm nào lịch chạy thận vào đúng mùng 1, cô không thể về nhà. Những ngày này ở đây một mình cũng buồn, cũng tủi lắm chứ, nhưng rồi cũng thành quen”. 

Từ Hà Nội về Hòa Bình nhà cô không quá xa, nhưng với cô, Tết có khi vẫn không về được. May thay năm nay cô được xếp lịch điều trị vào ngày 30, vậy là cô sẽ được ăn Tết Kỷ Hợi cùng gia đình.

Mặc dù có thể về quê ăn Tết, nhưng thời gian được hưởng hơi ấm tình thân với mọi người chỉ vỏn vẹn 1-2 ngày ngắn ngủi. 

Nếu được xếp lịch vào ngày cuối cùng của năm thì đến mùng 2 họ đã phải khăn gói lên bệnh viện tiếp tục chữa trị. Còn khi biết lịch chạy của mình vào ngày đầu năm mới, họ tự hiểu vậy là một cái Tết nữa không thể đoàn tụ. 

Với những mảnh đời chạy thận, họ không thể ăn uống đầy đủ, đậm vị Tết với các món ăn truyền thống lâu đời. Từ ngày biết bệnh, họ chưa từng được hưởng một cái Tết trọn vẹn.

Anh Mai Anh Tuấn, trưởng ban liên lạc cũng là người đã gắn kết hơn trăm con người thành một gia đình chia sẻ: “Sắp Tết nên các đoàn từ thiện quan tâm đến xóm nhiều hơn. Còn bệnh nhân như chúng tôi thì cũng chỉ ăn uống được bình thường nên không cần phải tổ chức rầm rộ, tình cảm ấm cúng thôi là quý rồi. Ngay ở xóm thận này thì mọi người cũng chỉ đoàn tụ được vào đêm 30, chứ mùng 1, mùng 2, nhiều người đã phải vào viện tiếp tục chạy thận”.

Nửa tháng nữa là đến Tết, hai chiếc bánh chưng mới được phát vẫn còn treo lơ lửng trong góc phòng cô Thu. 

Gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ vì nhớ nhà, cô rưng rưng nhớ về cái Tết được quây quần bên gia đình. Chồng cô do tai nạn mà không thể đi lại bình thường từ năm 14 tuổi, cô điều trị bệnh ở Hà Nội, kinh tế phải phụ thuộc vào sức lao động chính của bà nội.

Tết của những cư dân xóm chạy thận - 1

Lạc quan là sức mạnh

Suy thận đồng nghĩa với việc sẽ không biết sống chết như thế nào, việc chữa trị gian nan. Cô Tuất kể cho tôi về những số phận không thể chịu nổi đau đớn mà nhảy lầu tự kết liễu cuộc đời.  

Đang khỏe mạnh, vui vẻ thì cuộc đời bỗng lật sang trang khác đầy bất hạnh, thế nhưng, họ vẫn sống, vẫn không ngừng hy vọng, kiên cường. Bệnh tật đeo bám, để không trở thành gánh nặng của gia đình, họ đã cố gắng đi làm kiếm tiền như bao người lao động khác. 

Dẫu vậy, đấy không phải là những công việc yêu thích hay niềm đam mê bao năm ấp ủ, đó là những người đánh giày sức yếu, là các bác xe ôm quá tuổi ngũ tuần, là những cô bé bán hàng rong...

Xót xa hơn, tôi được gặp tận mắt những mảnh đời chưa từng được nếm cảm giác hạnh phúc của gia đình. Anh Hưng quê ở Thanh Trì, Hà Nội đang phải trải qua cái tuổi 44 cùng sự vất vả và cô đơn. 

Ở tuổi 20 tươi đẹp nhất cuộc đời, phát hiện mình bị suy thận, từ ấy, cánh cửa hạnh phúc bỗng đóng sập trước mắt chàng trai bao hoài bão năm nào. Quán nước nhỏ của anh mấy ngày đông vì lạnh mà không thể mở bán, nhưng anh vẫn mỉm cười, nụ cười lạc quan của một người thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đã có nhiều người sống cùng bệnh tật nửa cuộc đời, nếm bao đau đớn, tuyệt vọng nhưng họ vẫn kiên cường trong cuộc chiến giành sự sống. 

Bà Phan Thị Tảo (60 tuổi) là người phụ nữ lạc quan nhất mà tôi được gặp nơi đây. So với cái tuổi 60 của mình, bà trẻ, đẹp và quá đỗi phúc hậu. 

Hộp cơm mới được tặng còn nóng hôi hổi, bà vừa ăn vừa trò chuyện về những mảnh đời, con người vất vả trong xóm. Bà Tảo chính là cây văn nghệ “đinh” của xóm. Bà sở hữu giọng hát ngọt ngào, da diết, cũng là một phần giúp kết nối các thành viên lại với nhau.

Bằng tuổi chị Trần Thị Huệ (31 tuổi), bạn bè đã có gia đình yên ổn, con cái đủ đầy, còn chị vẫn ở trong xóm trọ nhỏ, dành trọn tình yêu cho những mảnh đời chung cảnh ngộ. Bệnh tật không cho phép chị yêu thương ai đó. Dẫu vậy chị vẫn xinh đẹp, vẫn đi làm tìm kiếm niềm vui mỗi ngày.

Chưa hết, tôi như chết lặng đi khi được nghe kể có những cô bé, cậu bé nhỏ hơn tôi đến vài tuổi đã phải rời xa gia đình, tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, chữa trị cho bản thân.

 Những cô cậu ấy chính là trái tim của cả xóm, bao yêu thương, tình cảm mọi người đều cố vun vén cho các em. Các em có quyền hưởng hạnh phúc, bởi thiệt thòi về mọi thứ đã đưa những trái tim đồng điệu đến gần nhau hơn. Đó là động lực để các em tiếp tục cố gắng vì tương lai.

Tạm biệt nơi đây khi mặt trời đã lặn, vẫn tiếng nói cười không ngớt, hình ảnh những gương mặt gầy yếu, xanh xao vì bệnh tật cứ ám ảnh tâm trí tôi. 

Bao mảnh đời bất hạnh của xóm chạy thận sẽ không thể đón một cái Tết đoàn viên cùng gia đình, đồng nghĩa với việc họ sẽ làm bạn cùng bệnh viện nồng nặc mùi thuốc đắng, lạnh lẽo và cô đơn.

Theo Kiều Trang
Công an nhân dân