Thanh Hóa:
Tết ấm áp ở Trung tâm bảo trợ xã hội
(Dân trí) - Ở Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 (Thanh Hóa), các cụ già neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi bị bỏ rơi đã được đón Tết sớm trước cả nửa tháng. Tết của họ chính là sự quan tâm, sẻ chia, chăm sóc của những tấm lòng nhân ái từ thiện.
Thương nhau như một gia đình
Tuy ở khắp mọi nơi thế nhưng về đây, tất cả họ đã trở thành một đại gia đình. Họ yêu thương nhau, sẻ chia những nỗi buồn trong cuộc sống để vơi bớt đi nỗi tủi phận. Bà Hà Thị Hoa (73 tuổi) đã sống ở đây mấy chục năm rồi, nhiều người cho bà là dại, vì bà không chọn cách sống thảnh thơi cho riêng mình mà lại nhận nuôi 4 đứa trẻ khuyết tật, đứa bại não, đứa động kinh.
Những cụ già cô đơn, không nơi nương tựa vào Trung tâm bảo trợ xã hội đã tìm được những người bạn cùng chung tâm sự.
Với bà Hoa, hạnh phúc chỉ cần những đứa trẻ gọi mình tiếng “mẹ”, dù là tiếng ấy được cất lên trong vô thức.
Bà Hoa là người dân tộc Vân Kiều, quê gốc Quảng Trị. Bố bà mất từ khi bà còn bé, mẹ đi bước nữa. Lớn lên bà đăng ký đi học trung cấp Y ở Ninh Bình nhưng được một thời gian vì căn bệnh tim bà đành nghỉ học để mổ rồi bà được đưa về trại an dưỡng ở Hà Nam (cũ) sau rồi về trung tâm bảo trợ số 2.
Bà Hoa và nhận nuôi những đứa trẻ tàn tật và xem chúng như con mình.
Bà cũng bị thất lạc anh em từ đó. Rồi số phận đưa bà gặp người đàn ông thương binh quê ở Triệu Sơn (Thanh Hóa) đang được chăm sóc ở trung tâm bảo trợ. Hai người thương nhau rồi làm đơn xin về ở cùng nhau. Hơn 30 năm chung sống nhưng không có con. Năm 2002, chồng mất, bà xin được nhận nuôi những đứa trẻ khuyết tật ở trung tâm này để làm niềm vui, niềm an ủi lúc tuổi già. Vậy là cũng đã mười mấy năm, bà làm mẹ “bất đắc dĩ” của những đứa trẻ bệnh tật.
Hơn 10 năm chăm sóc các con, cũng nhiều khốn khó, nhiều cực nhọc nhưng bà bảo chưa bao giờ thấy nản lòng hay ân hận vì những gì mình đã làm. Các con là niềm vui là niềm hạnh phúc thì những nhọc nhằn ấy có thấm vào đâu.
Đang đợi chờ xuất cơm của mình được phát, bà Trương Thị An (68 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Lộc) chia sẻ, bà không chồng cũng không có con, anh em, cháu mỗi người mỗi phận nên vào đây nương tựa tuổi già. Vào đây, bà ở cùng một cụ nữa, hai người coi nhau như chị em.
Tết sớm với những người khốn khổ
Đến Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 những ngày cận Tết, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đã ngập tràn ở ngôi nhà chung này. Mặc dù không được quây quần bên gia đình ngày Tết nhưng những người ở đây vẫn cảm thấy ấm lòng.
Nhà từ thiện, các cháu học sinh đã mang Tết đến với những người khốn khổ ở Trung tâm bảo trợ xã hội số 2.
Với 176 đối tượng là các cụ già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi và người khuyết tật ở đây thì với họ những ngày này là ngày Tết. Tết bởi vì có bánh chưng, được ăn nhiều món ngon một cách thỏa thích. Tết ở đây năm nào cũng phải tổ chức sớm hơn để kịp cho đứa trẻ hoặc cụ già nào đó được người thân đón về ăn Tết cùng gia đình.
Những bữa ăn ấm cúng với đầy đủ các món ăn của ngày Tết. Vẻ háo hức rạng ngời chẳng những có trên khuôn mặt ngây ngô của bọn trẻ mà những cụ già ở đây cũng vậy. Tết đối với họ chỉ đơn thuần chỉ là được ăn ngon.
Niềm vui hiện lên trên gương mặt họ.
Không khí ấm cúng, vui tươi, cùng nụ cười của những con người khốn khổ đã hòa vào, xua tan đi tiết trời lạnh giá của mùa đông, mang đến sức xuân căng tràn cho ngày đầu năm mới tại nơi đầy ắp nghĩa tình này.
Bà Lê Thị Liên, quê ở Hoằng Hóa cho biết, bà không có chồng, con, thuộc đối tượng không nơi nương tựa. 6 tháng trước, bà được chính quyền địa phương đưa vào đây. “Vào trong này có những người cùng cảnh ngộ, cùng tâm sự, sẻ chia. Gần Tết được các đoàn từ thiện về thăm, cho quà, bánh chưng, nấu những bữa cơm với nhiều món ngon cho ăn, 26 âm thì được quây quần nấu bánh chưng cùng mọi người, cảm thấy cuộc sống vui hơn, nỗi tủi thân cũng bớt đi cô ạ” – bà Liên tâm sự.
Đón Tết không có gia đình, người thân, nhưng sự quan tâm của cán bộ Trung tâm cùng những tấm lòng hảo tâm, nhân ái sẽ giúp các đối tượng ở Trung tâm vơi bớt nỗi nhớ nhà. Để cuộc sống của các đối tượng ở Trung tâm vơi bớt nỗi buồn, mặc cảm.
Tết thực sự đã về với những người khốn khổ nơi Trung tâm bảo trợ xã hội số 2.
Cán bộ Trung tâm cho biết, nhiều cụ, nhiều đứa trẻ có đường tiêu hóa không tốt nhưng nghĩ cả năm họ mới được ăn ngon, ăn thoải mái thế nên lại “chiều” họ.
Ông Lê Duy Vũ, Phó Khoa dinh dưỡng, Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 chia sẻ: “Những đối tượng ở đây được Nhà nước hỗ trợ 900 nghìn/người/ tháng. Bởi thế, với họ những ngày này thực sự đã là Tết. Năm nay đã có 5 đoàn từ thiện về phát quà, bánh chưng, nấu ăn cho họ một bữa ăn với nhiều món ngon nên các cụ, những đứa trẻ ở đây vui lắm”.
Bình Minh