Tết ấm áp ở Làng trẻ em SOS
(Dân trí) - Dù không có người thân ruột thịt bên cạnh, nhưng bằng sự cố gắng nỗ lực của các mẹ, các dì, những em nhỏ Làng trẻ em SOS Nghệ An sẽ có một cái Tết ấm áp đủ đầy. Những ngày cuối năm ở ngôi làng đặc biệt này, yêu thương luôn ngập tràn dưới mỗi mái nhà.
Những ngày cuối năm, thành phố Vinh (Nghệ An) chìm trong cái rét ngọt. Không còn mưa dầm dề, không khí ảm đạm ngày Đông đã lùi cho cái náo nhiệt, ấm áp đang ùa về trong từng ngôi nhà ở Làng trẻ em SOS. Các con đã được nghỉ học, xúm nhau lại phụ các mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa để đón năm mới sang.
Những lối nhỏ lát gạch nối giữa các nhà sạch bóng sau khi được các con dùng bàn chải cọ rửa. Trước mỗi căn nhà, những bông hoa bắt đầu nhú ra khỏi kẽ lá, cựa mình để chào Xuân sang. Các mẹ không có điều kiện sắm cành đào, cành mai hay chậu quất nhưng những cành cây khẳng khiu trước nhà đã được các con “hô biến” khi đính thêm những bông hoa mai, hoa đào bằng lụa. Ngỡ như, Tết đã về dưới những mái nhà đặc biệt này.
Dưới hiên nhà, chị em Trần Thị Lý, Trần Văn Bảo cùng với các anh chị em trong nhà bóc hành để làm nhân gói bánh chưng. Tiếng cười nói râm ran. Đang bóc hành, Bảo đứng phắt dậy, chạy ra. Ông nội của chị em Bảo từ xã Nghi Liên (TP Vinh) đạp xe vào thăm hai cháu. Ông dựng chiếc xe đạp cũ kỹ, chị em Bảo chạy lại, giúp ông tháo chiếc làn, túi bóng buộc sau gác ba ga. Ông mang tới nhà nào gà, nào ngan, nào rau xanh.
“Gà, ngan ông bà nuôi, rau thu hoạch trong vườn cả đấy. Tết nhất đến nơi rồi, vào thăm các cháu, có ít quà gọi là để mẹ con đón Tết. Chị em Bảo mồ côi bố mẹ từ nhỏ, ông bà già yếu, lại nghèo khó nên gửi vào Làng trẻ em SOS. Thỉnh thoảng, chuẩn bị được ít quà, ông lại đạp xe vào thăm cháu. Dạo này đau yếu luôn nên ông không vào thăm các cháu thường xuyên như trước nhưng năm hết, Tết đến, vào chơi với cháu một lúc cho chúng đỡ tủi thân. Nếu mẹ đồng ý thì ông đón hai cháu về nhà ăn Tết cho có ông, có cháu”, ông Trần Văn Chắt – ông nội của chị em Bảo, nói.
Ki cóp được ít tiền, ông nhờ người mua hộ hai đôi giày làm quà cho cháu. Đón lấy món quà từ ông, chị em Bảo hí hoáy thử giày. Không phải ai cũng may mắn có được niềm vui như chị em Bảo nhưng các em cũng không lấy làm buồn bởi lẽ, các mẹ, các dì đã và đang cố gắng để các con có một cái Tết đủ đầy, sung túc và ấm áp nhất.
Trong nhà số 9, mẹ Lê Thị Ngân đang cùng các con gói bánh. Mẹ bảo, năm nào cũng vậy, để đủ bánh cho 10 người con trong nhà và các anh chị đã rời nhà về ăn Tết, mẹ phải gói đến 20 cân đậu, thịt, nếp. Mẹ thoăn thoắt xúc gạo, đỗ gói thành những chiếc bánh tét.
“Hồi mới về làng mẹ không biết gói bánh chưng đâu nhưng cứ làm sẽ quen. Quy định của làng là không mua bánh chưng bán sẵn ngoài chợ mà mỗi nhà phải tự gói bánh, nấu bánh. Vừa dạy các con ý nghĩa ngày Tết, vừa cho các con cảm nhận không khí sum họp gia đình”, mẹ Ngân giảng giải.
Từ khu lưu xá (dành cho các em nam từ 14 tuổi trở lên), Tài cũng về giúp mẹ Ngân gói bánh. Cậu phụ trách gói bánh chưng. Hai cô em gái xúm nhau buộc lạt rồi sắp vào nồi. Bếp lửa đã được nhóm lên, anh em Tài xúm quanh nồi bánh râm ran kể chuyện vui, không ai có thể nghĩ, những đứa trẻ này đến từ những vùng quê khác nhau, có những hoàn cảnh gia đình riêng khác nhau…
Trong khi các anh chị lớn dọn dẹp nhà cửa, giúp mẹ gói bánh thì ngoài sân, các em nhỏ cùng nhau tham gia các trò chơi do các anh chị Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tổ chức. “Vì tiếng cười trẻ thơ” là chương trình đón Tết thường niên mà học sinh Trường Phan tổ chức ở Làng trẻ em SOS. Ngoài được tham gia các trò chơi tập thể, các em nhỏ của làng còn được đón nhận những món quà ý nghĩa mà các anh chị Trường Phan vận động từ các tổ chức, cá nhân…
“Các em về đây đều có hoàn cảnh hết sức đặc biệt nhưng các em luôn được các mẹ, các dì yêu thương, chăm sóc. Chúng em may mắn hơn các em, bởi vậy, mỗi dịp Tết đến Xuân sang, chúng em lại đến đây, mang đến cho các em nhiều yêu thương và Tết ấm áp hơn”, em Phan Lê Linh (học sinh lớp 10C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết.
Hoàng Lam