Tàu Việt Nam cần làm gì để tránh bị cướp biển tấn công?
(Dân trí) - Cuối tuần qua, Cục Hàng hải Việt Nam cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông vận tại họp với các hiệp hội vận tải biển và chủ tàu chạy tuyến quốc tế tại miền Trung và miền Nam, nhằm đưa ra các cảnh báo và các biện pháp ứng phó khi hành hải đến các khu vực có rủi ro cướp biển.
Trước đó, từ đầu tháng 3, Cục Hàng hải và Cục Đăng kiểm đã họp khẩn với các hiệp hội vận tải biển và các chủ tàu chạy tuyến quốc tế tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tình hình an ninh hàng hải nói chung và cướp biển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, nạn cướp biển có xu hướng tăng mạnh và rất nguy hiểm tại khu vực biển Sulu - Celebes phía nam Philippines, khu vực biển phía Đông Sabah của Malaysia. Cướp biển có vũ trang tấn công tàu hết sức manh động và tàn bạo, nhất là các hành động uy hiếp sinh mạng, đánh đập, bắt cóc và sát hại thuyền viên.
Cơ quan hàng hải xác nhận, từ tháng 11/2016 - 3/2017, đội tàu của Việt Nam xảy ra 2 vụ cướp biển tại khu vực nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng (làm 1 thuyền viên bị sát hại, 1 thuyền viên mất tích, 11 thuyền viên bị bắt cóc, một số thuyền viên bị đánh đập gây thương tích, nhiều tài sản bị cướp hoặc phá hủy).
Ngày 5/3 vừa qua, tàu Phú An 268, khi đang hành trình qua quần đảo Turtlle của Philippines, đã bị tàu cướp biển truy đuổi; nhưng do tàu đã thực hiện tốt các biện pháp cảnh giới, ngăn chặn và thông báo cho lực lượng chức năng của Malaysia hỗ trợ kịp thời, nên cướp biển không thể tiếp cận được tàu và đã phải rút lui.
Các cơ quan chức năng trong nước cũng như quốc tế thường xuyên cảnh báo đối với các công ty quản lý tàu và sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu. Khi tàu đi qua khu vực nguy hiểm, nếu có thể cần hành trình theo đoàn và cố gắng hành trình ban ngày, tránh xa các đảo có thể là nơi trú ẩn của cướp biển (cướp biển không thể đi cách xa nơi trú ẩn).
Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải và các Chi cục Đăng kiểm tàu biển thực hiện kiểm tra tăng cường về an ninh hàng hải, đặc biệt là nội dung phòng ngừa cướp biển, đối với tất cả các tàu hoạt động tuyến quốc tế; tăng cường thực hiện an ninh tàu khi hành trình qua các khu vực có nguy cơ cướp biển.
Đối với các công ty quản lý tàu và thuyền trưởng, sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế cần liên tục cập nhật thông tin về cướp biển và các hướng dẫn, khuyến cáo phòng chống cướp biển trong thông báo của các cơ quan chức năng; bổ sung kế hoạch an ninh tàu gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định trước khi điều động tàu vào khu vực nguy hiểm; duy trì liên lạc thường xuyên 24/7 thông suốt giữa công ty với tàu.
Cơ quan chức năng nhấn mạnh, các tàu biển khi nhận diện được khả năng bị tấn công rõ ràng phải kích hoạt SSAS, kích hoạt báo động vô tuyến khẩn cấp và thông báo cho các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải hoặc địa chỉ liên lạc khẩn cấp gần nhất; đồng thời tăng tốc độ chạy thẳng của tàu để tăng khoảng cách và tránh xa tàu, thuyền cướp biển…
Châu Như Quỳnh