1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tậu ôtô đi… làm đồng

Đó là ông Ama Ben - nhà tỷ phú cao su người dân tộc Ê Đê. Ông cũng là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk tậu ôtô đi làm đồng.

“Khai thác 85 ha cây cao su, thu nhập bình quân của gia đình lên tới 1,5 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 57 lao động là đồng bào dân tộc Ê Đê, dân tộc Kinh, giúp 30 hộ thoát nghèo, ủng hộ địa phương 60 triệu đồng, hiến 640m2 đất của gia đình để xây nhà cộng đồng...”.

 

Đó là những dòng trích ngang về nhà tỷ phú cao su người dân tộc Ê Đê Ama Ben trong cuốn 330 gương mặt nông dân tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân bình chọn.

 

Về xã Cư Bao, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, ngay từ đầu con đường dốc thoai thoải hun hút gió, lối rẽ vào nhà của tỷ phú Ama Ben đặc quyện mùi hoa cà phê, chúng tôi được các em nhỏ hướng dẫn “cứ thấy nhà nào thật to, có cổng thật bự thì đó là nhà của Ama Ben”.

 

Quả thật, dinh thự của ông Ama Ben nổi bật bên cạnh những ngôi nhà gỗ quen thuộc của đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk. Nhà tỷ phú tiếp chúng tôi khi vừa từ trang trại cao su về.

 

Giọng nói chân chất, gương mặt rắn rỏi, ông Ama Ben bắt đầu câu chuyện bằng việc ông đã lặn lội khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây cao su, để xây dựng trang trại cao su tư nhân lớn nhất tỉnh Đắk Lắk.

 

Trải bao khó khăn thăng trầm, gia đình ông bắt đầu lãi lớn từ năm 2006 đến nay, tổng thu nhập bình quân lên tới 4 tỷ mỗi năm từ cao su, lãi gần 2 tỷ/năm.

 

Sẵn lòng giúp đỡ bà con thoát nghèo

 

Trong phòng khách ngập tràn sắc mai vàng, bộ bàn ghế khảm gỗ tinh xảo đắt tiền, ông Ama Ben cười sảng khoái: Vui nhất là đầu năm nay ông đã giúp được buôn xây một trạm bơm nước cho bà con có nước sạch dùng ngay từ Tết Nguyên đán.

 

Ông cũng xây được thêm 3 căn nhà mới, mỗi căn trị giá 200 triệu đồng cho 3 con đã xây dựng gia đình. Ông cũng tự hào vì mình là nông dân chân đất nhưng có 8 người con được học hành giúp bố quản lý trang trại cao su rất “chuyên nghiệp”.

 

Cậu con trai thứ hai là Y Pno Ayul làm kế toán, thao tác toàn bộ trên máy tính. Con trai thứ tư đang học năm cuối Đại học Tây Nguyên, nếu không đi làm cho công ty bên ngoài thì cũng sẽ lại về giúp ông quản lý trang trại. Ngoài ra, ông còn chia cho mỗi con 5 sào cà phê để tự phát triển kinh tế.

 

Nhiều con em của gia đình đồng bào nghèo được ông thu nhận làm công nhân tại trang trại đều được đóng bảo hiểm thân thể, có hợp đồng lao động và tất cả đã thoát nghèo.

 

Thu nhập bình quân của một người thợ cạo mủ là 2 triệu đồng/tháng, người cao nhất lên tới trên 3 triệu đồng. Hàng tháng khi trả lương ông còn trích lại 127.000 đồng, tạm coi như tiền bảo hiểm xã hội, khi nào họ nghỉ việc, ông trả lại để họ có vốn làm ăn.

 

Trong số 57 công nhân đang làm việc cho ông, đã có 90% công nhân được ông cho vay tiền mua xe gắn máy làm phương tiện đi lại.

 

Ngẫm lại quãng đường gắn bó làm giàu từ cây cao su với nhiều thăng trầm, ánh mắt ông Ama Ben vui hẳn lên vì “vừa được làm vừa được đi chơi”. Hàng năm, ông đều trích lợi nhuận để tổ chức những chuyến đi tham quan cho công nhân. Công nhân nào đạt năng suất 3 tấn mủ khô/năm là được thưởng đi du lịch ở nhiều vùng miền của đất nước như đảo Phú Quốc, Củ Chi, Nha Trang đến các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, vịnh Hạ Long.

 

Ông cũng được tham gia giao lưu với các nông dân sản xuất giỏi cả nước, đi du lịch đến Thái Lan và Malaysia. Năm 2007, ông đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ 2003 đến 2007...

 

Theo Tố Quyên
Công An Nhân Dân