Tàu Hải quân Mỹ, Nhật đến Đà Nẵng diễn tập ứng phó thảm họa

(Dân trí) - Chiều 15/7, các tàu bệnh viện của Hoa Kỳ USNS Mercy (T-AH 19) và tàu của Hải quân Nhật Bản - JSDS Shimokita (LST - 4002) đã đến Đà Nẵng, chính thức khởi động chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 (PP16). Tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Việt Nam cũng tham gia chương trình PP16 tại Đà Nẵng lần này.

Lễ đón các tàu Mỹ, Nhật được các ban ngành, lực lượng chức năng liên quan tổ chức trọng thể ngay tại cầu cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng có buổi tiếp xã giao các đoàn tàu vừa đến Đà Nẵng ngay trong chiều cùng ngày tại Trung tâm Hành chính thành phố.


Các tàu bệnh viện của Hoa Kỳ USNS Mercy, tàu của Hải quân Nhật Bản cùng tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Nhân dân Việt Nam vừa đến Đà Nẵng, chính thức khởi động PP16

Các tàu bệnh viện của Hoa Kỳ USNS Mercy, tàu của Hải quân Nhật Bản cùng tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Nhân dân Việt Nam vừa đến Đà Nẵng, chính thức khởi động PP16

Lễ đón các tàu tham gia PP16 được tổ chức trọng thể ngay cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)
Lễ đón các tàu tham gia PP16 được tổ chức trọng thể ngay cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)

Đây là lần thứ 7 trong vòng 11 năm sự kiện này đã diễn ra tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tham dự các sự kiện năm nay có đại diện của nhiều quốc gia đối tác, bao gồm Úc, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Palau, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Timor Leste, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam, với mục tiêu tăng cường ứng phó thảm họa ở các quốc gia khu vực.

Tàu bệnh viện của Hoa Kỳ USNS Mercy vừa đến Đà Nẵng
Tàu bệnh viện của Hoa Kỳ USNS Mercy vừa đến Đà Nẵng

Một góc tàu của Hải quân Nhật Bản - JSDS Shimokita
Một góc tàu của Hải quân Nhật Bản - JSDS Shimokita


Tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Việt Nam sẽ cùng tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ, Nhật diễn tập ứng phó thảm họa.

Tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Việt Nam sẽ cùng tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ, Nhật diễn tập ứng phó thảm họa.

Tại buổi họp báo tại cầu cảng Tiên Sa ngay khi vừa đến Đà Nẵng, Đại tá Tom Wiliams - Chỉ huy tàu bệnh viện của Hoa Kỳ USNS Mercy chia sẻ: “Một trong những nội dung chính và cũng là điểm mới của Chương trình Đối tác Thái Bình Dương tại Việt Nam năm nay là các nước tham gia chương trình sẽ diễn tập ứng phó thảm họa thiên tai như thảm họa sóng thần, y tế bờ biển, tìm kiếm và cứu trợ hàng hải".

Ngoài ra, lần này, cùng với tàu bệnh viện của Hoa Kỳ, tàu bệnh biện Khánh Hòa của Hải quân Nhân dân Việt Nam, còn có tàu của lực lượng Phòng vệ biển thuộc Hải quân Nhật Bản”

Phía Nhật Bản, Đại tá Takeshi Okada - Chỉ huy Đội tàu số 1 - Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản chia sẻ: “Cùng với kỳ vọng được trao đổi chuyên môn trong các lĩnh vực y tế, cứu trợ nhân đạo quốc tế trong thảm họa, chúng tôi muốn được chia sẻ kinh nghiệm qua những lần đối mặt và ứng phó với nhiều thảm họa thiên tai như thảm họa sóng thần”.

Trả lời câu hỏi của báo chí về hiệu quả của Chương trình Đối tác Thái Bình Dương, ý nghĩa đối với việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, Đại tá Tom Wiliams chia sẻ, việc các nước cùng nhau diễn tập ứng phó thảm họa chính là nâng cao đảm bảo an toàn cho người dân nếu xảy ra thảm họa với những kinh nghiệm, kỹ thuật y tế, cứu trợ nhân đạo... Sự an toàn của người dân cũng chính là một trong những mục tiêu hàng đầu đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi nước.

Chương trình Đối tác Thái Bình Dương, theo đó, cũng góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước tham gia.

Được biết, theo kế hoạch, PP16 được tổ chức tại Đà Nẵng lần này kéo dài 2 tuần kể từ hôm nay, 15/7. Trong thời gian ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ PP16 sẽ làm việc trực tiếp cùng các các bộ y tế dân sự Việt Nam, chào xã giao lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, tham gia vào các dự án xây dựng dân sự, trao đổi chuyên môn với các cán bộ quân y trên tàu bệnh viện Khánh Hòa, cũng như tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Ngoài ra, TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức Giải Bóng đá cho Người nước ngoài tại Đà Nẵng với sự tham gia của hai đội bóng PP16 của Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Nhằm tiếp tục tăng cường năng lực ứng phó và xử lý khủng hoảng như PP15, đội ngũ cán bộ PP16 và đội ngũ cán bộ phía Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo 7 ngày về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR), kết thúc bằng một cuộc diễn tập xử lý khủng hoảng.

Nội dung cuộc diễn tập bao gồm: công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, ứng phó ở mức độ khu vực và quốc gia, y tế bờ biển, tìm kiếm và cứu trợ hàng hải. Ngoài ra, các đối tác Việt Nam, cùng với Hải quân Hoa Kỳ, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ tham gia hoàn thiện việc nâng cấp Trường tiểu học Hòa Phú, Trạm Y tế Chính Gián, Trường Mầm non Rạng Đông và Trường Chuyên biệt Tương Lai. Ban nhạc Hạm đội Thái Bình Dương sẽ biểu diễn tại đường Bạch Đằng và Công viên Biển Đông, và cán bộ PP16 sẽ tham gia đào tạo kỹ năng cứu hộ và giảng dạy các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho cộng đồng tại Đà Nẵng.

Một số hình ảnh về chiến hạm hiện đại của lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản:


Hệ thống rada và kích hoạt pháo phía trước tàu

Hệ thống rada và kích hoạt pháo phía trước tàu


Sân trước của tàu có thể đỗ hai chiếc trực thăng cùng lúc

Sân trước của tàu có thể đỗ hai chiếc trực thăng cùng lúc


Các bình áp khí hỗ trợ vận hành các phương tiện, thiết bị trên tàu

Các bình áp khí hỗ trợ vận hành các phương tiện, thiết bị trên tàu

Tàu Hải quân Mỹ, Nhật đến Đà Nẵng diễn tập ứng phó thảm họa - 9

Tàu Hải quân Mỹ, Nhật đến Đà Nẵng diễn tập ứng phó thảm họa - 10


Bên trong tàu cứu hộ trên tàu LST - 4002 - một trong những chiến hạm lớn nhất của Hải quân Nhật Bản

Bên trong tàu cứu hộ trên tàu LST - 4002 - một trong những chiến hạm lớn nhất của Hải quân Nhật Bản

Tàu LST 4002 Shimokita thuộc lớp tàu đổ bộ Osumi. Lớp tàu này có tổng cộng 2 chiếc. Đây là một trong những chiến hạm có kích thước lớn nhất của Nhật. Nó chủ yếu chuyên chở máy bay trực thăng, tàu đổ bộ đệm khí (LCAC), xe tăng, thiết giáp, nhân viên đổ bộ và các phương tiện tác chiến đổ bộ.

Khánh Hiền