Tập trung thi hành án các vụ liên quan hoạt động tín dụng, ngân hàng
(Dân trí) - Dự kiến kiểm tra trực tiếp các cơ quan thi hành án dân sự địa phương có số lượng thụ lý cả về việc và giá trị lớn, có nhiều khó khăn, vướng mắc như TPHCM, An Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội…
Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa ban hành kế hoạch năm 2020 của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Trong đó yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả thi hành án liên quan đến khoản nợ xấu, đảm bảo kết quả thi hành án trong lĩnh vực này đạt tỷ lệ cao hơn năm 2019 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.
Tổng cục Thi hành án dân sự cũng dự kiến kiểm tra trực tiếp các cơ quan thi hành án dân sự địa phương có số lượng thụ lý cả về việc và giá trị lớn, có nhiều khó khăn, vướng mắc như TPHCM, An Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Kiên Giang
“Phối hợp với hội sở của tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng có số lượng việc, giá trị phải thi hành án lớn như ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, BIDV, Công ty quản lý tài sản (VAMC),... trong công tác tổng hợp, đề xuất kiểm tra công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng”- cơ quan này dự kiến.
Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác năm 2020 đầu năm nay, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết năm 2019 toàn hệ thống đã thi hành xong trên 570.000 việc, đạt tỷ lệ hơn 78% (vượt gần 5,6% so với chỉ tiêu được giao); thi hành xong hơn 52.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 35% (vượt hơn 2,4% chỉ tiêu được giao).
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới, quyết liệt hơn. Kỷ cương, kỷ luật hành chính tại cơ quan Tổng cục cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên số việc và số tiền chuyển kỳ sau vẫn ở mức cao và tăng so với cùng kỳ năm 2018. Số bản án, quyết định hành chính của Tòa án chưa được các cơ quan hành chính thực hiện vẫn còn tồn nhiều.
Thế Kha