"Tập trung làm dự án lớn xoay chuyển tình thế, như đường sắt tốc độ cao"
(Dân trí) - Chia sẻ với kiều bào tại Brazil, Thủ tướng nhắc tới mục tiêu tăng trưởng hai con số, tập trung các dự án lớn xoay chuyển tình thế như đường sắt tốc độ cao và 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Chiều tối 16/11 giờ địa phương (rạng sáng 17/11 giờ Việt Nam), ngay sau khi đặt chân đến thành phố Rio de Janeiro để dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Brazil.
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị cho rằng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tiếp sau chuyến thăm chính thức Brazil vào tháng 9 năm ngoái, mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước.
Đẩy mạnh hợp tác lao động Việt Nam - Brazil
Bên cạnh quan hệ chính trị, ngoại giao, Đại sứ nhận định quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước cũng ngày càng phát triển. Kim ngạch thương mại song phương đạt gần 6 tỷ USD trong những tháng đầu năm và có thể đạt con số 10 tỷ USD vào năm 2025 như mục tiêu hai bên đề ra.
Anh Vũ Minh Hà (học viên quân sự tại Học viện Lục quân Brazil) chia sẻ trong thời gian học tập tại đây, các lưu học sinh Việt Nam được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến và nhiều thành tựu nghiên cứu hiện đại.
Theo anh Hà, nhiệm vụ của học viên quân sự ở nước ngoài không chỉ là học tập mà còn cần tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập để trở thành sĩ quan quân đội vừa hồng vừa chuyên, mang kiến thức được học tập ở Brazil về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chị Phạm Hồng Trang (Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil) chia sẻ kỳ vọng quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước luôn được thúc đẩy mạnh mẽ.
Chị cho biết Brazil là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Mỹ. Tới nay, kim ngạch thương mại của Việt Nam với Brazil xếp thứ 2 ở khu vực châu Mỹ, chỉ sau Mỹ.
Đại sứ quán cũng đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), nhằm tạo ra bước đột phá trong quan hệ thương mại, giúp thúc đẩy trao đổi hàng hóa và đầu tư giữa Việt Nam với Brazil nói riêng và với các nước trong khối nói chung.
Nhắc đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các lĩnh vực đang được thúc đẩy. Trong đó, ông nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo và lao động nhằm tăng cường tình hữu nghị hợp tác giữa hai dân tộc.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng mong mỗi kiều bào sẽ là một đại sứ, là cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước.
Nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, Thủ tướng nhắc Đại sứ quán cần luôn quan tâm, chăm lo cho cộng đồng người Việt tại đây để bà con có cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển.
Chia sẻ về tình hình trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát Việt Nam từ một nước trải qua hàng chục năm chiến tranh và cấm vận, đến nay đã thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu để đi lên con đường chủ nghĩa xã hội.
"Thời kỳ đổi mới, Việt Nam có 6-7% là người nghèo nhưng đến nay, theo chuẩn nghèo đa chiều của Liên Hợp Quốc, ta chỉ còn hơn 1%. Đó là thành tựu to lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Khái quát 3 trụ cột quan trọng mà Việt Nam xác định, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt "lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Thu ngân sách vượt 1 tỷ USD, bình quân đầu người có thể đạt 4.700 USD
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề cập, ông trước hết nhắc đến chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
"Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận nay đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 thị trường lớn trên thế giới", Thủ tướng thông tin và nói thêm tới đây sẽ thúc đẩy quan hệ ở thị trường Nam Mỹ.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, ngoại giao kinh tế đang được đẩy mạnh với mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất.
Đi kèm với đó, ông cho biết Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Đột phá chiến lược về thể chế nhằm giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng để phát triển.
Đột phá về hạ tầng để mở ra không gian phát triển mới và đột phá về nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
"Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cho biết trước đổi mới, GDP bình quân đầu người chỉ có 4 tỷ USD nhưng năm nay có thể đạt 470 tỷ USD nếu tăng trưởng đạt 7%; bình quân đầu người cũng có thể chạm mốc 4.600-4.700 USD, phụ thuộc vào tăng trưởng cuối năm; thu ngân sách vượt khoảng 300.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Nói thêm về mục tiêu giai đoạn tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần đạt tăng trưởng hai con số, tập trung làm một số dự án lớn mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Ngoài khai thác không gian mặt đất, Thủ tướng cho rằng cần tận dụng lợi thế để khai thác không gian vũ trụ, không gian biển và không gian ngầm, hướng tới những động lực mới cho sự phát triển.
"Phải đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển, hội nhập để tiến lên", Thủ tướng nhấn mạnh cần đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn và hoạt động quyết liệt để phát triển đất nước.
Hoài Thu (Từ Rio de Janeiro, Brazil)