"Tạo văn hóa từ chức khi cán bộ lãnh đạo bị giảm sút về uy tín"
(Dân trí) - Đó là ý kiến của ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ khi nói về vấn đề văn hóa từ chức đối với cán bộ lãnh đạo bị giảm sút về uy tín.
Uy tín giảm sút nên từ chức
Tại phiên họp bất thường ngày 30/12/2022 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã biểu quyết, thống nhất để ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, để việc từ chức trở thành hình thức ứng xử trong văn hóa công vụ thì cần cả quá trình thay đổi từ quan niệm của mỗi người.
Theo ông Ân, việc từ chức nên nhìn ở 2 khía cạnh. Một là, cán bộ lãnh đạo từ chức do tự trọng, khi sai phạm trong quản lý của họ có thể chưa đến mức phải xử lý kỷ luật cách chức. Hai là, cán bộ lãnh đạo xin từ chức vì những vi phạm của mình đến mức nếu không xin thôi sẽ bị cách chức.
"Việc cán bộ lãnh đạo có vi phạm, có khuyết điểm trong công tác, xin từ chức cũng là động thái để xoa dịu bức xúc của người dân. Đấy là việc nên phát huy để tạo văn hóa từ chức khi cán bộ lãnh đạo bị giảm sút về uy tín", ông Ân nói.
Ông Ân cũng cho rằng, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Thông báo này khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định. Đây là điểm mới và rất cụ thể để tạo ra văn hóa từ chức đối với những cán bộ có vi phạm, có khuyết điểm.
"Cán bộ có vi phạm, khuyết điểm từ chức không phải là để hạ cánh an toàn. Vì đây mới xét ở góc độ cho thôi giữ chức vụ, còn nếu anh có hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm. Tức là anh vi phạm đến đâu thì phải xử lý đến đấy", ông Ân nhấn mạnh.
Nói về văn hóa từ chức của cán bộ lãnh đạo, theo ông Ân, từ chức là do tự anh nhận thấy mình có vi phạm, có khuyết điểm, uy tín giảm sút hoặc để cho cấp dưới "lộng hành", vi phạm pháp luật thì nên xin thôi chức vụ.
Ông Ân cho rằng để hình thành văn hóa từ chức thì mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần tự giác. Tức là tự phê bình, tự xem xét lại mình, xem mình trong quá trình công tác làm việc đã làm đúng với khả năng Đảng yêu cầu chưa, đã cống hiến hết mình chưa. Nếu xét thấy anh chưa làm tốt, còn để cho cấp dưới vi phạm thì trách nhiệm là của anh. Vì anh chưa làm tốt việc quản lý, bao quát quán xuyến công việc của người lãnh đạo, do vậy anh có khuyết điểm thì nên từ chức.
"Người lãnh đạo phải có bản lĩnh. Luôn luôn phải có động lực để cống hiến, nếu cấp trên giao việc cần phải tìm cách để phấn đấu vượt qua, lắng nghe cấp dưới góp ý, chứ không phải là làm lãnh đạo để được nhàn hạ, hưởng thụ", ông Ân nhấn mạnh.
Khen, nịnh là hại nhau
Đưa ra giải pháp để người cán bộ lãnh đạo không vi phạm khuyết điểm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ Đỗ Văn Ân cho rằng, trước tiên cấp ủy đảng cần phải tăng cường giám sát cán bộ đảng viên, kịp thời phát hiện khi mới có dấu hiệu vi phạm để góp ý, uốn nắn. Tiếp theo là phải có quy chế và có cơ chế để kiểm soát quyền lực đối với cán bộ lãnh đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nếu có quy chế nhưng không triển khai thực hiện liên tục thì sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường chống quan liêu, lắng nghe cấp dưới, lắng nghe dư luận, bám sát thực tiễn ở cơ sở.
Một vấn đề nữa theo ông Ân, đó là cần phải nâng cao chất lượng họp chi bộ đảng. "Hiện nay, trong sinh hoạt chi bộ, người ta thường khen nhau nhiều, chứ không nói thật, sợ mất lòng nhau. Theo tôi sinh hoạt chi bộ mà cứ khen, nịnh nhau thì đó là hại nhau chứ không phải giúp nhau, nên vấn đề nâng cao chất lượng họp chi bộ cần đặc biệt chú ý và phải được cấp trên kiểm tra thường xuyên", ông Ân trăn trở.
Đồng quan điểm về việc cần kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên qua hình thức nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng, Đại tá Phạm Trường Dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần chú trọng hơn nữa đến việc đảng viên sinh hoạt 2 chiều.
Khi xác nhận ý kiến đối với đảng viên ở khu dân cư thì chi bộ cần cử người giám sát đảng viên đó đến tận nơi cư trú của đảng viên để xác minh xem tổ dân phố và chính quyền địa phương họ góp ý như thế nào. Từ đó, chi bộ có thêm thông tin để đánh giá đảng viên được thực chất hơn.
Ông Dân lưu ý, để kiểm soát quyền lực đối với cán bộ lãnh đạo thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ lãnh đạo đó. Với đảng viên cũng vậy, việc sinh hoạt chi bộ hàng tháng là để mỗi đảng viên nhìn lại trong tháng qua mình đã làm được những việc gì, cái gì chưa làm tốt và định hướng cho tháng tới sẽ triển khai như thế nào, để từ đó chỉnh sửa, uốn nắn. Bên cạnh đó, sự giám sát đối với mỗi đảng viên của chi bộ cũng cần thực chất hơn để người đảng viên nhìn nhận sửa chữa kịp thời.
Ông Dân nói thêm, những vụ việc như cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và nhiều cán bộ lãnh đạo trong vụ "chuyến bay giải cứu" hay vụ Việt Á vướng vào lao lý, đó là sự mất mát lớn. Sự mất mát không chỉ thiệt hại về tài sản của nhà nước mà còn tổn hại đến nguồn nhân lực của đất nước.
Theo ông Dân, để xảy ra các vụ việc trên, một phần do vấn đề kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ đảng viên tại các chi bộ, cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả. Do vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực thông qua việc tăng cường nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát đối với mỗi cán bộ đảng viên cần được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên và thực chất hơn.
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong ngày làm việc đầu tiên (3/10), Trung ương đã quyết định khai trừ Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng.
Đồng thời, Trung ương cũng biểu quyết, thống nhất để 3 ông Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang và Huỳnh Tấn Việt, thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.