Tăng trách nhiệm Bộ trưởng trong bổ nhiệm lãnh đạo tập đoàn

(Dân trí) – “Sửa đổi nghị định về việc quản lý tập đoàn, DNNN, sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm Bộ quản lý chuyên ngành trong việc xây dựng chiến lược vốn cũng như công tác bổ nhiệm cán bộ” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết.

Bộ trưởng Đam Vũ Đức Đam khẳng định, sửa đổi Nghị định 132 về việc quản lý các tập đoàn, Tcty là cần thiết và quan trọng trong việc tái cơ cấu DNNN. Nghị định sửa đổi sẽ có nhiều điểm mới như quy định DNNN phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Những chức năng, ngành nghề đầu tư “tay ngang”, đặc biệt ngành nghề nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản nhất định phải tiến hành thoái vốn.

Nhìn lại cả quá trình xây dựng quy chế quản lý DNNN thời gian qua, Bộ trưởng Đam phân tích, từ khi bỏ quy định cơ quan chủ quản, lập Bộ đa ngành, giao quyền tự chủ cho DN, HĐQT DNNN với tư cách được nhà nước giao làm đại diện chủ sở hữu, các tập đoàn, Tcty có nhiều quyền năng lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Điểm tích cực mang lại là quy định đã giúp các tập đoàn năng động, phát triển hoạt động của mình. Mặt trái tiêu biểu chính là việc đầu tư ngoài ngành ồ ạt mà khi thị trường thay đổi thậm chí làm DN mất cả vốn.
Tăng trách nhiệm Bộ trưởng trong việc bổ nhiệm lãnh đạo tập đoàn

Về nội dung trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành đối với các tập đoàn, Tcty, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Nghị định mới sẽ hướng tới việc quy định rõ ràng, cụ thể hơn, cả trong việc xây dựng chiến lược vốn cũng như tham gia vào các khâu trong công tác bổ nhiệm cán bộ.

“Công tác cán bộ tại các tập đoàn, Tcty sẽ được xây dựng theo hướng quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm lãnh đạo Bộ quản lý chuyên ngành vì hơn ai hết, đây là người bao quát xuyên suốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình thực tế tại DN” – Bộ trưởng Đam phân tích.

Thẩm quyền bổ nhiệm lãnh đạo các tập đoàn, Tcty 90, 91, ông Đam khẳng định, theo quy định của Đảng, vẫn do Thủ tướng bổ nhiệm 1 số chức danh hoặc có ý kiến để HĐQT doanh nghiệp bổ nhiệm.

Về hướng đề xuất thành lập một cơ quan ngang bộ để quản lý khối DNNN này, Bộ trưởng Đam cho biết, Chính phủ, Thủ tướng, đã ghi nhận ý kiến và giao bộ KH-ĐT đứng ra lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng các nhà khoa học để nghiên cứu về mô hình này. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, ở một số nước thành lập cơ quan ngang bộ quản lý DN như vậy, thực tế áp dụng cũng có nhiều bất cập.

Bộ trưởng Đam nhấn mạnh: “Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT nghiên cứu đề xuất một cách thận trọng, khoa học. Khi chưa thể xây dựng một cơ quan như vậy, trước mắt, giải pháp là tăng cường trách nhiệm Bộ quản lý chuyên ngành”.

Ông Đam cũng thông tin thêm, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án trình Chính phủ về việc “nâng tầm” DN quản lý vốn nhà nước thành cơ quan thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ này. Hướng quy định là “sao để người của Bộ Tài chính nằm tại DN để hiểu rõ “nội tình” đơn vị nhưng vẫn ăn lương Bộ Tài chính, làm nhiệm vụ giám sát hoạt động của DN”.
 

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "EVN đang triển khai việc kỷ luật Chủ tịch Đào Văn Hưng"

Cuối tháng 2/2012, Bộ Công thương đã gửi kiến nghị lên Chính phủ đề nghị kỷ luật ông Đào Văn Hưng – Chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Điện lực và nhiều cán bộ tập đoàn vì để xảy ra việc làm ăn thua lỗ ở EVN Telecom. Chính phủ đã họp đảng đoàn Chính phủ, nhận định với việc xảy ra ở đây, cá nhân các vị lãnh đạo tập đoàn phải chịu trách nhiệm. Chính phủ đã yêu cầu cơ quan liên quan tiến hành những thủ tục cần thiết về kỷ luật cán bộ công chức. Hiện Bộ Công thương và lãnh đạo tập đoàn đang triển khai thực hiện quyết định này.

`P.Thảo