(Dân trí) - "Nhiều nước khi thấy Việt Nam thông báo đã dành 560.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương đến năm 2026, họ rất ngạc nhiên vì nghĩ chúng ta có đồng nào mang đi làm cao tốc hết", Chủ tịch Quốc hội kể.
Từ 1/7/2024, lộ trình cải cách tiền lương sẽ chính thức được thực hiện theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đi kèm với đó là việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Quyết sách này được Quốc hội thông qua hồi giữa tháng 11, tại kỳ họp thứ 6.
Kinh phí thực hiện chính sách này từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.
Đây là tin vui với hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong năm mới 2024.
Trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp đầu năm mới 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng dành thời gian nhắc đến nội dung được hàng chục triệu người lao động quan tâm - cải cách tiền lương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng là người được giao phụ trách, chủ trì Đề án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ khi ông còn giữ cương vị Phó Thủ tướng.
Theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội biết rất rõ nguồn lực để cải cách tiền lương tác động đến các vấn đề vĩ mô, vi mô ra sao.
Trong thời điểm chưa thể cải cách tiền lương vì nhiều yếu tố tác động, ông Huệ chia sẻ "Chính phủ bị sức ép, Quốc hội cũng bị sức ép".
Tại kỳ họp thứ 4 hồi cuối năm 2022, vì chưa thể thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, Quốc hội giao Chính phủ từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, thay vì 1.490.000 đồng/tháng như trước đây.
Quốc hội cũng quyết mức tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội với đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Tổng chi cho cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, và chính sách an sinh xã hội trong năm 2023 là 12.500 tỷ đồng.
"Để làm được việc này, Quốc hội cũng phải rất vất vả, rất chủ động", theo chia sẻ của ông Vương Đình Huệ.
Ông nhấn mạnh quan điểm của Quốc hội là "chi cho con người cũng là chi cho đầu tư phát triển". Vì vậy, việc dành nguồn để cải cách tiền lương đã được quán triệt rõ ràng trong nghị quyết của Trung ương.
Đặt câu hỏi "Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?", Chủ tịch Quốc hội cho biết nhiều nước khi thấy Việt Nam thông báo đã dành 560.000 tỷ đồng để chuẩn bị cho cải cách tiền lương từ nay đến năm 2026, họ rất ngạc nhiên.
"Người ta nghĩ Việt Nam có đồng nào mang đi làm đường cao tốc hết rồi, nhưng không, việc nào ra việc đấy. Tăng thu ngân sách Trung ương phải dành 40% để cải cách tiền lương, dứt khoát không nói xuôi nói ngược gì hết. Còn 60% để làm việc khác", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Còn với khoản tăng thu ngân sách địa phương, ông nhấn mạnh phải dành 50% để cải cách tiền lương, còn lại chi cho các khoản khác. Đặc biệt, dù nguồn cải cách tiền lương chưa dùng đến cũng không thể đem đầu tư chỗ khác.
"Đây là nội dung đã được ghi trong nghị quyết của Trung ương, không thể thay đổi, phải kiên trì mới có nguồn để làm", theo lời ông Huệ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây không phải vấn đề tăng lương bình thường, mà là vấn đề cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc trả theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo. Sau khi thực hiện chính sách tiền lương này, tất cả cơ chế thu nhập đặc thù sẽ bãi bỏ.
Quan điểm được ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh là với những vấn đề quốc kế dân sinh, những nội dung cấp bách cần tháo gỡ, Quốc hội sẽ chủ động bàn với Chính phủ hoặc trên cơ sở tờ trình của Chính phủ để xem xét, đưa ra quyết sách kịp thời.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng để có nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương là một sự nỗ lực vượt bậc của tất cả các cấp, các địa phương trong suốt thời gian qua.
"Chúng ta phải quyết tâm, "thắt lưng buộc bụng" để có đủ nguồn cho cải cách chính sách tiền lương. Con số Thủ tướng báo cáo đã dành được 560.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương từ 2024 đến 2026 cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà cho biết "cuộc cách mạng" trong tổ chức bộ máy và tinh gọn biên chế cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, cải cách chính sách tiền lương không những nhằm nâng cao đời sống của người hưởng lương, mà còn nhằm thực hiện mục tiêu vô cùng quan trọng là nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài việc là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đây cũng là cơ hội cơ cấu và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp lại đầu mối tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, theo Bộ trưởng Nội vụ.
Nữ Bộ trưởng khẳng định cải cách chính sách tiền lương là một tư duy đột phá khi trả lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, quản lý. Quy định này sẽ hoàn toàn thay thế bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004.
Việc cải cách lần này cũng sẽ cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản, phụ cấp và loại bỏ những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù. Theo đó, sẽ chỉ còn lại bảng lương cơ bản và lương, phụ cấp; bổ sung 10% mức lương cơ bản để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện việc thưởng cho các cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
"Qua 4 lần cải cách tiền lương nhưng chưa lần nào đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Chính sách tiền lương mới rất tiến bộ, công bằng, thực sự hài hòa và hợp lý", Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.
Theo bảng lương mới, dự kiến tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ cao hơn gần 30% so với hiện tại.
"Nếu sau khi Nghị quyết 27 ban hành, chính sách cải cách tiền lương thực hiện được luôn sẽ ngay lập tức tạo ra bước đột phá lớn về tiền lương, song do nhiều yếu tố tác động, chính sách cải cách tiền lương chưa thể thực hiện. Nhưng trong thời gian đó, Quốc hội và Chính phủ đã 2 lần quyết định điều chỉnh tăng lương cơ sở", Bộ trưởng Nội vụ phân tích.
Theo Bộ trưởng, 2 lần điều chỉnh lương cơ sở đó đã giúp tiền lương tăng 29,5%, bước đầu giải quyết khó khăn cho người hưởng lương. Vì thế lần này, mức tăng khi cải cách tiền lương chỉ khoảng gần 30%.
Song điều quan trọng nhất, theo Bộ trưởng, việc cải cách tiền lương lần này sẽ thiết lập lại toàn bộ hệ thống bảng lương theo chức danh lãnh đạo và vị trí việc làm.
"Đợt cải cách tiền lương tới đây sẽ là nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện việc trả lương theo chức danh lãnh đạo và vị trí việc làm. Đây là quan điểm và nguyên tắc mới, phù hợp với xu thế chung của nền hành chính Nhà nước", theo lời Bộ trưởng Nội vụ.
Nhìn nhận cải cách tiền lương là điểm nhấn trong năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 6, đã lưu ý vấn đề kiềm chế lạm phát khi tăng lương.
Bà dẫn chứng nhiều lần điều chỉnh lương, kể cả lương đối với người nghỉ hưu, cũng có những tác động tiêu cực về mặt lạm phát, giá cả tăng cao. "Nếu tăng lương không kèm theo những biện pháp kiềm chế lạm phát, ý nghĩa của việc tăng lương cũng không được đảm bảo", theo lời bà Mai.
Nữ đại biểu cho rằng trong bối cảnh ngân sách còn chừng mực, việc tăng lương cũng là cả một sự cố gắng. Vì thế, bà kỳ vọng chính sách này mang tính thực chất và không cào bằng.
"Theo Nghị quyết 27 của Trung ương, khi tăng lương sẽ không còn những khoản phụ cấp khác nên Chính phủ cần lưu ý để thu nhập của những người đang có phụ cấp không bị ảnh hưởng", bà Mai nói. Đặc biệt, đi kèm với tăng lương, bà Mai đề nghị quyết liệt hơn trong việc tinh giản biên chế để bộ máy thực sự hiệu lực, hiệu quả.