Tăng mức phí đăng kiểm xe tải nặng lên gấp 30 lần
(Dân trí) - Đây là một trong những nội dung của Đề án tổng thể quản lý trọng tải xe vừa được Cục đường bộ soạn thảo trình Bộ GTVT phê duyệt. Đề xuất này được nêu ra trong bối cánh vấn đề quá tải tại Việt Nam hiện được đánh giá là hết sức nghiêm trọng.
“Bằng chứng”?
Theo báo cáo của Cục đường bộ Việt Nam, từ khi các trạm kiểm tra tải trọng (KTTT) xe ngừng hoạt động (10/2003), tình trạng quá tải gia tăng cả về số lượng xe quá tả lẫn mức độ quá tải.
Đặc biệt trong số này là các loại xe tải 2, 3 và 4 trục là các xe vi phạm nhiều nhất. Đây cũng là tác nhân khiến cho các tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đơn cử tại các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 51… các xe tải thường xuyên chở gấp 2 - 3 lần trọng tải cho phép. Từ ngày 11 - 15/5/2006, dự án Bảo vệ mạng lưới đường bộ Việt Nam đã tiến hành cân thử trọng tải các xe đi qua ở địa phận tỉnh Hải Phòng.
Tổng số 1.000 xe tải đi qua thì có đến 30% xe là chở quá tải ở mức 1,5 - 3 lần. Còn khảo sát mới đây nhất tại tỉnh Phú Yên (tháng 6/2008) cho thấy, trong tổng số 100 xe tải vận chuyển nguyên liệu về cho công ty Công nghiệp khu chế phẩm và nhà máy Tinh bột Sông Hinh có đến 98 xe chở hàng quá tải.
Những xe tải đã qua sử dụng do Mỹ, Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc sản xuất nhập về thường chở quá tải. Gầm của các loại xe này thường phù hợp với thùng xe do nội địa lắp ráp - có thể chuyên chở gấp 2 lần trọng tải ban đầu.
Một lãnh đạo Cục đường bộ khẳng định: “tải trọng thực tế hiện này sẽ làm giảm nghiêm trọng tuổi thọ của các công trình cải tạo đường bộ nếu không có biện pháp xử lý.
Hư hỏng mặt đường như lún, nứt trên những tuyến đường mới được cải tạo (như QL 3, 5, 1 và đường Hồ Chí Minh) cho thấy tầm quan trọng phải kiểm soát tình trạng quá tải đang có phần phổ biến như hiện nay”.
Tăng phí, vì xe quá tải phá đường
Ngoài việc khôi phục và quy hoạch 15 trạm KTTT xe trên toàn mạng lưới đường bộ Việt Nam với mức đầu tư 225 tỷ đồng, Cục đường bộ Việt Nam đề xuất việc tăng phí đăng kiểm xe tải nặng lên gấp 30 lần so với mức hiện tại. hiện mức lệ phí đăng kiểm xe tải hàng năm chỉ khoảng 150.000 đồng cho lần đăng kiểm đầu tiên. Mức phụ thu hàng năm phổ biến từ 180.000 đến 300.000 đồng tùy thuộc vào trọng tải xe.
“Trong khi đó, ở các nước Phương Tây mức lệ phí đăng kiểm hàng năm của xe tải nặng là hàng nghìn USD. Mức phí cao trên vì các nước xác định xe tải nặng là nguyên nhân chính gây ra hư hỏng mặt đường. Việc thu cao cũng nhằm để tăng thêm nguồn ngân sách phục vụ cho việc bảo dưỡng, sửa chữa đường”.
Theo Cục đường bộ, mức phí trên là rất thấp và chỉ đơn thuần là chi phí hành chính, chưa tạo ra nguồn thu phục vụ cho việc bảo dưỡng, sửa chữa đường. Vì thế, Cục kiến nghị mức phụ thu lệ phí đăng kiểm hàng năm lên mức 200 USD đến 500 USD (tương đương với mức 3,4 triệu đến 8,5 triệu Việt Nam đồng).
Theo đề xuất của Cục Đường bộ, đi đôi với việc kiểm soát tải trọng xe trên đường cần có thêm các quy định và chế tài buộc các doanh nghiệp vận tải hàng hóa hoặc chủ sở hữu phương tiện phải có trách nhiệm tự kiểm tra tải trọng của phương tiện ngay tại nơi xuất phát chở hàng.
Đồng thời, doanh nghiệp hoặc chủ sở hữu phương tiện phải ký xác nhận vào giấy vận chuyển hàng hóa ghi rõ khối lượng và trọng tải của từng chuyến xe. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện xe chở quá tải thì sẽ căn cứ vào phiếu vận chuyển để xác định lỗi vi phạm thuộc về lái xe, doanh nghiệp hay chủ sở hữu phương tiện.
Nếu lỗi chở quá tải thuộc về doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ bị lĩnh án phạt. Ngược lại, lỗi chở quá tải thuộc về chủ sở hữu phương tiện hoặc lái xe thì lái xe bị phạt.
Ngoài ra, đề án của Cục đường bộ cũng kiến nghị sửa đổi các quy định xử phạt hiện hành trong Nghị định 146 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, bổ sung chế tài xử phạt các doanh nghiệp vận tải hoặc chủ sở hữu phương tiện cố tình để xe chở quá tải. Ngoài mức xử phạt bằng tiền, nếu các doanh nghiệp tái diễn nhiều lần vi phạm hoặc có hành vi “ép” lái xe phải chở quá tải sẽ bị áp dụng các hình phạt bổ sung.
Phúc Hưng