1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tăng ĐH địa phương, thêm lo ngại chất lượng

(Dân trí) - Năm 2007, chúng ta có thêm 49 trường đại học ở địa phương, nếu tiếp tục cho ra đời thêm các trường đại học địa phương như vậy, chất lượng đại học rất đáng lo lắng. Đại biểu Nguyệt Hường bày tỏ trong buổi thảo luận sáng nay tại đoàn Hà Nội.

Sáng nay (23/10) các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển năm 2008 và dự kiến phân bổ ngân sách.

Đề nghị bỏ chính sách bù lỗ giá

Tại đoàn Hà Nội, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, Chính phủ phải đưa ra chính sách phát triển kinh tế mũi nhọn của quốc gia, chứ không thể thấy nước ngoài phát triển cái gì, ta phát triển cái đó. Cần có qui hoạch tổng thể quốc gia, qui hoạch tổng thể các ngành. Một thực tế phổ biến hiện nay là nơi nào cũng xây dựng cảng sông, khu đô thị, khu công nghiệp mà không phải cứ khu công nghiệp là phát triển được.

Bà Loan cũng đặt ra vấn đề, các doanh nghiệp trong nước đang phải “bươn chải”, không có lợi thế so với doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí còn thiệt hơn. Chẳng hạn như cấp đất xây dựng khách sạn 5 sao, những diện tích đất lớn, các doanh nghiệp nước ngoài được ưu tiên hơn.

Cần có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp trong nước và đó là cách để hạn chế nhập siêu. “Nhà nước không cần hỗ trợ, xúc tiến thương mại, bởi chính sách xúc tiến như hiện tại tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng mà tôi đến đó không thấy hiệu quả gì”, bà Loan phân tích. Xúc tiến thương mại theo đại biểu này là việc doanh nghiệp tự làm được.

Về ngân sách, việc phân bổ cần thực hiện theo chính sách phát triển của nhà nước, cần phát triển cái gì thì đầu tư cho cái đó. Không thể thực hiện phân bổ ngân sách theo kiểu năm trước cho ngần này, năm sau bổ sung thêm một ít.

Bà Loan cũng đề nghị bỏ chính sách về giá, bù lỗ giá. Theo bà Loan, nhà nước phải bỏ ra 8.200 tỉ đồng để bù lỗ giá xăng dầu là không hợp lí, cần để cho thị trường tự điều tiết giá mặt hàng này.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào bức xúc với bất hợp lí trong việc bảo hộ ô tô trong nước. Các doanh nghiệp ô tô thường kêu lỗ, nhưng họ đều trích lãi về công ty mẹ và lỗ, lãi ở đây được hiểu theo nghĩa là phụ thuộc vào việc trích lãi nhiều hay ít. Ông lấy ví dụ từ chính việc mua xe của mình để nêu lên bất hợp lí: chiếc xe của ông mua trong nước có giá 31 ngàn USD, trong khi giá tại Indonexia chỉ là 17 ngàn USD. Điều đáng nói nữa là sau nhiều năm bảo hộ, tỉ lệ nội địa hoá của ngành ô tô mới chỉ đạt 2%.

Về vấn đề tăng giá, theo ông Đào nhà nước không thể kêu gọi các doanh nghiệp không tăng giá mà cần có biện pháp gì để kìm hãm. Chẳng hạn, một mớ rau bán ngoài thị trường giá 2 ngàn đồng, nhà nước phải có biện pháp để bán với giá một ngàn rưởi mới có hiệu quả.       

Chỉ tiêu về giáo dục không phải là con số... mơ ước

Đại biểu Nguyệt Hường cho rằng, Chính phủ cần đưa ra con số cụ thể về tăng trưởng GDP cho năm 2008 không nên đưa ra con số có sự dao động 8,5-9%, đồng thời đưa ra cơ sở để đạt tăng trưởng đó. Thêm nữa, cần làm rõ thêm cơ sở của con số nhập siêu tăng thêm 5 tỉ USD của năm tới.

Về chỉ tiêu tăng số giường bệnh lên 25,7 giường/ 1 vạn dân theo bà Hường là quá thấp bởi năm 2007 đã là 25,3 giường/ 1vạn dân. Về phát triển giáo dục năm tới, tỉ lệ đào tạo 3 đại học, 2 kĩ thuật và 1 công nhân theo bà Hường “không phải là con số mong ước”. “Chúng ta dành 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng cơ cấu như vậy thật sự phải suy nghĩ”, bà Hường nhấn mạnh.

Chất lượng đại học cũng được bà Hường đề cập tới. Năm 2007 chúng ta có thêm 49 trường đại học ở địa phương, nếu tiếp tục cho ra đời thêm các trường đại học địa phương như vậy, chất lượng đại học rất đáng lo lắng.

Cũng liên quan đến giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Hoa cho rằng, không nên gộp hai kì thi tốt nghiệp THPT và thi đại học làm một. Theo bà thi tốt nghiệp như “xóa mù chữ”, đòi hỏi ở người học kiến thức cơ bản để có thể tiếp cận cuộc sống, trong khi đó, thi đại học là tuyển chọn nhân tài, hướng tới một nghề nghiệp trong tương lai.

Một nghịch lí ở cơ sở được bà Hoa nêu lên là nhiều khi người dân lại am hiểu hơn cán bộ. Bà nêu lên ví dụ về một lần làm việc với chủ tịch xã, vị này đã “hồn nhiên” nói rằng, “rau sạch không phải trách nhiệm của tôi”. Xã như một “nhà nước con” nằm trong sự quản lí của chủ tịch xã nên vấn đề đặt ra theo bà Hoa là phải... đào tạo lại cán bộ xã.

Cấn Cường