1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X):

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thanh niên

(Dân trí) - Tiếp tục triển khai chương trình làm việc toàn khóa nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, sáng 9/7, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã khai mạc Hội nghị lần thứ bảy.

Trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: Hội nghị Trung ương lần này sẽ tập trung thảo luận và thông qua các đề án quan trọng “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy  mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”, “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Sau hơn 20 năm đổi mới và phát triển đất nước, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa VII), tình hình thanh niên và công tác thanh niên đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là xây dựng một thế hệ thanh niên thời kỳ mới có đạo đức, có tri thức, sức khỏe và tư duy phát triển năng động; tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, tình nguyện vì cộng đồng; sống có trách nhiệm, có ý chí vươn lên, mong muốn được cống hiến và trưởng thành, làm giàu chính đáng, góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Tuy nhiên, trong thanh niên và phong trào thanh niên vẫn còn không ít hạn chế, thiếu sót và khuyết điểm. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thanh niên nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội mới và cả những thách thức mới. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu tất yếu, một đòi hỏi khách quan.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định quan điểm của Đảng ta đối với đội ngũ trí thức, nhất là việc xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đảng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo đối với đội ngũ trí thức. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng được đội ngũ trí thức với chất lượng cao, số lượng đông đảo và cơ cấu hợp lý, tiến tới ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và thế giới. Tạo sự gắn bó vững chắc giữa Đảng với trí thức, giữa trí thức với Đảng, bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong hơn 20 năm đổi mới, tình hình nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân đã có những bước tiến bộ khá toàn diện và to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm; xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng nhanh; tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi; công nghiệp chế biến được tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường nhất là giao thông, thủy lợi, điện, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục được đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện; xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu to lớn. Hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở nông thôn được tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh, trật tự được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân được nâng cao.

Tuy nhiên, thành tựu mà chúng ta đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, yếu kém, khuyết điểm. Nông nghiệp phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt các nguồn lực; chuyển dịch cơ cấu và đổi mới cách thức sản xuất còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm, thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu, môi trường ngày càng ô nhiễm, khả năng thích ứng, đối phó với thiên tai còn hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn còn thấp, chênh lệch giàu nghèo đang có xu hướng tăng lên; số hộ nghèo còn lớn; phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.

Trước thực tế nói trên cũng như trước thời cơ và thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng những vấn đề mang tính toàn cầu, như biến đổi khí hậu, khan hiếm năng lượng, gia tăng nhu cầu về lương thực và thực phẩm trên thế giới, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa to lớn và yêu cầu bức thiết của vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong giai đoạn mới. Giải quyết tốt các vấn đề quan trọng này luôn là nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục giữ vị trí quan trọng: nông nghiệp là cơ sở, nông thôn là địa bàn, nông dân là lực lượng đông đảo góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định chính trị - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải hỗ trợ mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn mới gắn với các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; hiện đại hóa nông nghiệp là khâu then chốt.

Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa trên cơ sở phát huy cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện địa lý của từng vùng của nước ta; giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là đất đai, lao động, rừng và biển, phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế, đồng thời tăng mạnh sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.

Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phải huy động sức mạnh của cả nước, đồng thời phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước, phát huy mọi nỗ lực to lớn trong cư dân nông thôn; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú làm động lực cho quá trình phát triển.

Cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ nghe và cho ý kiến Báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2008. Tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại và yếu kém; xác định rõ các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan. Qua đó, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị, tạo sự nhất trí và quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị, trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả cao những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị để tiếp tục phát triển bền vững. Trước mắt tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Ban Chấp hành Trung ương cũng sẽ nghe và cho ý kiến về các vấn đề mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến nay.

Với việc tiếp tục đi sâu đánh giá, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, vấn đề nông nghiệp, nông thôn cho thấy Đảng ta đã nắm bắt, lựa chọn những vấn đề quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay: siết chặt mối liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, củng cố cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  

Thế Nguyễn