Tăng cường kiểm soát chim tại sân bay Côn Đảo

Thế Hưng

(Dân trí) - Nhằm tránh các vụ tàu bay va chạm với chim, động vật hoang dã, sân bay Côn Đảo được yêu cầu kiểm soát kỹ lưỡng các động vật trên để đảm bảo an toàn bay.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp an toàn đối với công tác kiểm soát chim và động vật hoang dã tại Cảng hàng không Côn Đảo.

Theo đó, các đơn vị khi phát hiện vụ việc hoặc các mối nguy hiểm từ chim, động vật hoang dã, vật nuôi xảy ra tại sân bay Côn Đảo như: chim xuất hiện tại khu vực đường cất hạ cánh, sự vụ tàu bay va chạm với chim... phải báo cáo ngay đến Cục Hàng không Việt Nam và người khai thác cảng hàng không, sân bay Côn Đảo.

Tăng cường kiểm soát chim tại sân bay Côn Đảo - 1

Tăng cường kiểm soát chim tại sân bay Côn Đảo (Ảnh: C.N.Q.)

Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu rà soát lại số liệu báo cáo sự cố chim, động vật hoang dã để xem xét, đánh giá lại chỉ số an toàn, mục tiêu an toàn tại Cảng hàng không Côn Đảo.

Ngoài ra, để hạn chế các sự cố trên, Cục Hàng không VN cũng yêu cầu ACV, Cảng vụ hàng không miền Nam chỉ đạo rà soát lại chương trình kiểm soát chim, động vật hoang dã, vật nuôi đã được ban hành để đánh giá kết quả thực hiện. Trên cơ sở kết quả rà soát và đánh giá, Cảng hàng không Côn Đảo điều chỉnh, xây dựng mới các biện pháp kiểm soát chim, động vật hoang dã, vật nuôi.

Trước đó, VASCO báo cáo số liệu về các vụ việc chim và động vật hoang dã trong 4 tháng đầu năm 2023 tại Cảng hàng không Côn Đảo được có chiều hướng gia tăng. Tính chất sự việc lặp lại, gây uy hiếp an toàn và ảnh hưởng đến quá trình khai thác chuyến bay của VASCO và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA).

Trước đó đã có nhiều vụ việc chim trời va vào động cơ máy bay. Cụ thể, tháng 4/2021, chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines bị phát hiện vỡ ống thủy lực ở càng sau khi hạ cánh xuống Cảng Hàng không Thọ Xuân - Thanh Hóa, gây chậm dây chuyền 4 tiếng đồng hồ. Thợ máy phát hiện có va chạm với chim trên đường băng, có xác chim trên càng sau bên phải của tàu bay.

Tháng 3/2021, tổ kỹ thuật hàng không đã phát hiện máy bay của Vietnam Airlines hỏng vỏ bọc động cơ sau chuyến bay từ Đà Nẵng đến Hà Nội, nguyên nhân là do bị chim trời va đập.

Tháng 10/2020, tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, thợ máy kiểm tra kỹ thuật đã phát hiện động cơ của máy bay VN-A581 đã bị móp sau khi thực hiện chuyến bay từ Hải Phòng. Cùng thời điểm đó, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài - Thừa Thiên Huế khi nhân viên kỹ thuật tàu bay phát hiện có lông chim trong động cơ của máy bay VN-A652 mang số hiệu VJ310.

Năm 2019, chuyến bay VJ320 của Vietjet Air bay từ TPHCM đi Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trong quá trình hạ cánh đã va phải chim trời. Khi chuyến bay đã hạ cánh an toàn và đi vào sân đỗ, thợ kỹ thuật của hãng bay này phát hiện chim trời trong động cơ máy bay và phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể khắc phục xong hư hỏng.