1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tăng cước vận tải - không còn là “rục rịch”

(Dân trí) - Ngay sau khi giá cước vận tải ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đồng loạt tăng để “chạy theo” giá xăng dầu thì từ một vài ngày nay, giá vận tải tại các tỉnh phía bắc cũng chạy đà tăng giá.

Trao đổi với PV Dân trí, nhiều đại diện doanh nghiệp (DN) vận tải tại Hà Nội và Hải Phòng đều cho rằng trong đợt tăng giá xăng dầu này với các DN kinh doanh vận tải hành khách là “ác mộng” nhất.

“Đặc thù của hoạt động xe khách là chạy theo biểu đồ giờ nhất định. Nên vào những giờ thấp điểm trong ngày (10h - 13h) dù chỉ có 1-2 khách thì nhà xe vẫn phải cho xe xuất bến. Biết là chết mà vẫn phải cho chạy!" - giám đốc kinh doanh một DN xe khách liên tỉnh có trụ sở tại Hải Phòng méo mặt than.

Mặc dù chưa có đơn vị vận tải nào công khai tăng giá cước, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải cả nhỏ lẫn to đã bắt đầu phụ thu tiền nhiên liệu.

Anh Hải Phong, một hành khách thường xuyên đi ô tô tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho biết, từ khi xăng dầu tăng giá, cánh lái phụ xe thường thu thêm 5.000 đồng/lượt so với trước đây đối với hành khách và gọi đó là tiền phụ thu xăng dầu tăng giá.

Một chủ xe trên tuyến xe Hà Nội - Quảng Ninh cũng thừa nhận: “Tuy nhiên, khi giải thích do xăng dầu tăng giá thì hành khách cũng thông cảm và chia sẻ với khó khăn của nhà xe” - chủ xe trên phân trần.

Khó khăn nhất hiện nay là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hoá. Do đã ký hợp đồng dài hạn với khách hàng nên việc “xin thêm” không dễ dàng như với vận tải chở khách.

Đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho biết, một mặt họ thương thảo với các khách hàng vận chuyển dài hạn trên cơ sở “tình thương mến thương” một mặt tăng giá ngay với các hợp đồng vận chuyển chuyến để bù đắp phần nào chi phí.

“Chuyện tăng giá là cực chẳng đã nhưng trong tình thế này, không tăng giá thì chỉ có nước… chết!”, vị đại diện này lắc đầu ngao ngán nói.

Giá tăng bao nhiêu?

Tháng 7/2007, Thông tư Liên bộ Tài chính - GTVT đã cho phép các doanh nghiệp vận tải tự quyết định giá cước (nhưng phải công khai). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay hầu hết các doanh nghiệp chưa công khai tăng giá cước mà đang trong giai đoạn chờ thủ tục.

Tại bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe này cho biết, hơn một tuần nay, các doanh nghiệp vận tải tại đây cũng rục rịch các phương án tăng giá nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp nào niêm yết mức giá vé mới. “Lý do là họ đang chờ hoàn tất thủ tục về phương án giá mới, việc niêm yết giá vé chắc chỉ độ vài ngày nữa”.

Trong khi đó, mức giá mới được thông báo của công ty vận tải Hoàng Long cho thấy giá vé đi các tuyến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đều tăng ở mức 5 - 10.000 đồng đối với các tuyến từ 200 km trở xuống. Đối với tuyến Hà Nội - TPHCM tăng từ 680.000 lên 730.000/khách, tương đương với 7,1%.

Theo ông Nghiêm Thế Anh - Trưởng phòng Vận tải công ty này: “Giá cước mới tăng ở mức 5 - 10%, trong khi đó giá xăng dầu tăng tới 36,2%. Do đó, doanh nghiệp vẫn đang phải chịu nhiều sức ép từ giá xăng dầu và phải cố gắng bù đắp chi phí”.

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cũng cho biết, đến hôm nay (8/3), hầu hết các doanh nghiệp tại bến này đã lên các phương án tăng giá và đang chờ thông qua các thủ tục để niêm yết mức giá mới, một số tuyến đã bắt đầu áp dụng giá mới.

Đối với xe chất lượng cao tuyến Hà Nội - Vinh, tăng từ 73.000 lên 100.000 đồng/khách, xe bình thường tăng từ 65.000 - 90.000 đồng/khách. Đối với tuyến Hà Nội - Ninh Bình, Thanh Hóa cũng đã tăng từ 5 - 10.000/khách. Cũng tại bến xe này, Công ty Vận tải Mai Linh đã bắt đầu áp dụng giá mới: Hà Nội - Đà Nẵng, tăng từ 260.000 lên 300.000 đồng/khách, Hà Nội - TPHCM tăng từ 480.000 - 600.000/khách.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho biết: "hầu hết các hãng taxi Hà Nội đã “rục rịch” tăng giá, một số hãng đã ra niêm yết mức giá mới và số còn lại đang chờ hoàn tất các thủ tục về phương án tăng cước. Mức cước tăng dự kiến khoảng 10%.

Việc tăng cước, Hiệp hội không can thiệp vì đây là vấn đề lỗ lãi của doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ lưu ý, các hãng cần tính toán mức cước hợp lý để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”.

Phúc Hưng