1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cước vận tải lại... rục rịch tăng giá

(Dân trí) - Việc xăng dầu tăng giá đã được nhiều DN vận tải dự tính đến trong kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, tăng 3.700 đồng/lít dầu diezel, 1.500 đồng/lít xăng vẫn là cái giá khá chát. DN vận tải lao đao, chuyện tăng giá dự kiến sẽ bắt đầu trong một vài ngày tới.

Doanh nghiệp vận tải lao đao

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào chiều 25/2, lãnh đạo một công ty taxi tại Hà Nội chỉ thiếu nước kêu trời khi hỏi về điều chỉnh của hãng taxi này trước mức tăng đến chóng mặt của giá xăng, dầu vào ngày hôm nay.

Câu trả lời là “chúng tôi đang tính, trong tình thế cạnh tranh quá gay gắt như hiện nay, việc tăng một xu thôi cũng phải tính”.

Vẫn cùng một diễn biến như thế, đến cuối giờ chiều ngày hôm nay 25/2, đại diện Hiệp hội vận tải và nhiều công ty, HTX kinh doanh trong lĩnh vực này cũng cho biết: đang nghe ngóng tình hình đồng nghiệp nhưng chuyện tăng giá sẽ là khó tránh khỏi!

Đường sắt - mỗi ngày “mất” thêm hàng trăm triệu đồng

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng Ban kinh doanh vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: hoạt động chạy tàu của đơn vị chủ yếu là chạy dầu nên chi phí nhiên liệu mỗi ngày sẽ tăng thêm hàng trăm triệu đồng. Cái khó của ngành đường sắt là vé tàu thì đã bán trước, còn giá cước tàu hàng thì đã ký cả năm với khách hàng. Vì thế, nếu tăng giá vé và giá cước vận chuyển, chúng tôi sẽ phải thương thảo lại với khách hàng để họ chấp thuận. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra phương án điều chỉnh giá vé, giá cước cho hợp lý, với mức tăng khoảng 7%.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: vì mới có quyết định tăng giá xăng, dầu nên hiện giờ Hiệp hội vận tải ô tô chưa nhận được phản ánh của các doanh nghiệp vận tải nhưng việc tăng giá cước sẽ là điều khó tránh khỏi.

Trước câu hỏi lần tăng giá xăng này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp hoạt động vận tải, ông Hùng ngậm ngùi nói: việc tăng giá xăng, dầu vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị kinh doanh vận tải. Xăng, dầu tăng thêm 30% sẽ đồng nghĩa với việc chi phí vận tải sẽ phải tăng thêm 15%. Do đó, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tính toán tăng giá cước để bù vào chi phí vận tải.

Khi nào vận tải tăng giá?

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Võ Liễu cho rằng: trong bối cảnh các doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh giá cước như hiện nay, trước khi điều chỉnh mỗi doanh nghiệp đều nghiên cứu rất kỹ trên cơ sở xem xét cung, cầu để có giá cạnh tranh.

Thông thường phải sau từ 7 đến 10 ngày kể từ xăng, dầu tăng giá, các doanh nghiệp vận tải mới điều chỉnh giá.

Trong khi đó, giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe Gia Lâm Nguyễn Như Trúc cho biết, giá cước vận tải liên tỉnh xuất phát từ bến Gia Lâm vẫn giữ nguyên giá như trong dịp Tết.

Cụ thể, giá vé Gia Lâm - Lạng Sơn là 50.000 đồng/khách, Gia Lâm - Niệm Nghĩa (Hải Phòng) 35.000 đồng/khách, Gia Lâm - Thái Nguyên 24.000 đồng/khách… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, khả năng các hãng vận tải trên các tuyến này tăng giá chỉ còn là yếu tố thời gian.

Còn ông Đoàn Công Giáo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Quảng Ninh lại khẳng định: “sau đợt tăng giá xăng, dầu này, chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét việc tăng giá cước. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, chúng tôi sẽ cố gắng làm sao chỉ tăng giá vé của một số tuyến.

Dự kiến sẽ tăng giá cước một số tuyến đi Thái Bình, Nam Định, Sài Gòn lên khoảng từ 5 - 8%. Cụ thể giá xe Quảng Ninh đi Sài Gòn sẽ tăng khoảng từ 340.000 đồng lên khoảng 350.000 đồng, Hòn Gai - Thái Bình, Quảng Ninh - Nam Định sẽ tăng thêm khoảng 5000 đồng/vé. Qua thăm dò hành khách, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người trước việc tăng giá xăng này”.

Các hãng taxi cũng chưa có động thái đặc biệt sau khi xăng tăng giá. Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình, giá xăng liên tục tăng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, lúng túng.

Việc tăng giá cước là quyền của từng hãng, nhưng chỉ nên tăng ở mức hợp lý và không thể liên tục điều chỉnh. Với vai trò của mình, Hiệp hội sẽ yêu cầu các hội viên không được “té nước theo mưa”.

Một lái xe taxi tại Hà Nội cho biết, hãng của anh không hỗ trợ lái xe, trong khi xăng tiếp tục tăng 1.500 đồng, nếu chạy khoảng 200 km/ngày, mỗi lái xe mất đứt 30.000 đồng/ngày, một tháng mất đứt 1 triệu đồng.

Giám đốc Công ty cổ phần Hiền Linh, đơn vị đang khai thác loại hình xe ôm có gắn đồng hồ tính cước điện tử cho biết, từ 1/3, Công ty sẽ tăng giá cước lên 5.000 đồng/km đầu, từ km thứ 2 đến km thứ 10 là 4.000 đồng/km, từ km thứ 11 trở đi là 3.000 đồng/km. Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc công ty này cho biết: với giá xăng mới như hiện nay, mỗi km vận chuyển công ty này phải “đội” thêm khoản chi phí 500 đồng.

Các ý kiến vào cuối ngày mà chúng tôi ghi nhận được đều cho ra một đáp số: việc tăng giá cước vận tải trong tình hình giá xăng dầu thế giới tăng liên tục cần thiết để bảo đảm cho người làm nghề vận tải đủ sống.

Phúc Hưng