1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Vé xe liên tỉnh tăng giá 15 - 20%

(Dân trí) - Kể từ hôm nay 5/3, nhiều doanh nghiệp vận tải tại TPHCM sẽ tăng giá vé xe khách liên tỉnh lên 15 - 20% để bù cho chi phí xăng dầu. Giá cước vận tải hành khách tăng cao đang đem lại “nhiều băn khoăn” cho những người thu nhập thấp.

Giá xe đồng loạt tăng

Tại bến xe Miền Đông (BXMĐ) và bến xe Miền Tây (BXMT), hàng loạt doanh nghiệp vận tải đã niêm yết giá mới. Các doanh nghiệp đều than không thể chịu lỗ được nữa. Năm nay, do cơ chế tăng giá vé thông thoáng (không cần hiệp thương, chỉ đăng ký với Sở Thương mại) nên việc tăng giá của các doanh nghiệp tiến hành rất nhanh chóng.

Đặc biệt là xe của các hãng có thương hiệu như Thuận Thảo, Hoàng Long, Đông Hưng… giá vé tăng rất cao, có tuyến tăng trên 20%, giữ mức giá tương đương dịp tết âm lịch vừa qua.

Tiêu biểu như xe giường nằm của Hoàng Long tuyến TPHCM - Huế tăng từ 480.000 đồng lên 520.000 đồng; TPHCM - Hà Nội từ 600.000 đồng lên 730.000 đồng… Giá vé xe Thuận Thảo từ TPHCM đến Tuy Hòa nay đã lên 140.000 đồng, đến Huế lên 360.000 đồng.

Tại BXMT, vé đi các tuyến không tăng nhiều, chỉ tăng từ 5 - 15 ngàn/vé tùy tuyến, do đặc trưng các tuyến ở đây là tuyến ngắn, nhưng nhìn chung là tỷ lệ tăng thấp hơn BXMĐ. Vé xe đến Cao Lãnh từ 40.000 đồng lên 45.000 đồng, đến Cần Thơ từ 44.000 đồng lên 52.000 đồng; đến Cà Mau từ 83.000 đồng lên 98.000 đồng…

Các bến xe cho biết: đây là đợt “tiên phong”, thời gian tới, chắc chắn các doanh nghiệp khác cũng sẽ đua nhau tăng giá như vậy để bù chi phí xăng dầu. Ngay cả taxi và xe buýt cũng đang “rục rịch” muốn tăng giá.

Nhiều băn khoăn…

Thực ra, việc tăng giá xe đã diễn ra ngấm ngầm từ lúc xăng tăng chứ không phải đợi đến bây giờ. Cùng với lương thực thực phẩm, nay giá cước vận tải hành khách tăng cao là một gánh nặng cho lớp người thu nhập thấp…

Lấy công làm lãi, chị Hoa (ngụ tại Xuân Lộc, Đồng Nai) thường đem trái cây từ quê lên TPHCM bán dạo, mỗi lần khoảng 30 - 50 kg trong 1, 2 ngày. “Tiền xe bây giờ tăng gần gấp đôi khiến việc buôn bán gặp rất nhiều khó khăn” - Chị Hoa tâm sự.

Còn vợ chồng anh Hồng là công nhân một xưởng may tại Tân Bình cho biết: Vì công việc thường xuyên tăng ca, làm đêm nên tụi em gửi con cho bà ngoại ở quê nuôi. Trước đây chừng 2 tuần vợ chồng về thăm con 1 lần, nay cái gì cũng tăng mà lương thì không nên chắc cả tháng mới dám về thăm con.

“Nhớ lắm, nhưng…” - anh Hồng buồn bã cúi xuống, bàn tay gầy guộc cầm hờ túi đồ ăn to đùng nhưng toàn những rau…

Chung cảnh “nhịn” nhớ nhà cho bớt tiền xe là các sinh viên - học sinh xa nhà. Một bạn sinh viên ở Làng Đại học Thủ Đức cho biết: “Năm ngoái gia đình chu cấp cho em 700.000 đồng/tháng tiêu cũng tạm đủ, nay chật vật quá. Nhà em ở Vũng Tàu nhưng mỗi tháng chỉ về 1 lần để lấy tiền thôi”.

Nhưng cậu không buồn vì: “Thế còn may! Phòng em có bạn quê ở Nghệ An, nhà làm nông, tháng chỉ gửi vào 3, 400.000 đồng, tiền nhà đã hết 1/3, ăn còn không đủ huống gì về quê…”

Thiệt thòi nhất là công nhân, sinh viên sinh sống tại Biên Hòa (Đồng Nai). Vì từ lúc xăng tăng đến nay, có hiện tượng các xe bắt khách dọc quốc lộ 1A khu vực này lấy giá cao hơn vé bến (từ Biên Hòa đi Xuân Lộc (Đồng Nai) lấy đến 30.000 đồng trong khi vé tại BXMĐ là 22.000 đồng) nhưng người dân vẫn phải chấp nhận vì không lẽ bắt xe ngược lên BXMĐ mua vé?

Tùng Nguyên