1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TAND Tối cao: “Không có chuyện đúc hàng nghìn tượng, tốn hàng nghìn tỷ"

(Dân trí) - “Việc xây dựng bức tượng này nếu có trong tương lai, phải trong thời điểm thích hợp, không sử dụng ngân sách nhà nước... Không có chuyện đúc hàng nghìn tượng, tốn hàng nghìn tỷ đồng".

Chiều 28/4, chủ trì phiên họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố Chánh án TAND Tối cao các thời kỳ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định, việc lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được cơ quan này tiến hành khảo sát, xin ý kiến của các nhà khoa học, nhà sử học, các bộ ngành liên quan suốt 2 năm qua.

Ông Bình nhấn mạnh, đây là vị vua anh minh, gần dân, có nhiều công lao trong lịch sử. Trong hoạt động xét xử, ông cũng có nhiều công trạng: Ban hành bộ luật Hình thư - bộ luật đầu tiên của nhà nước Việt Nam; mở ra thời kỳ xét xử theo luật, tuân thủ pháp luật, chứ không phải theo ý vua; là vị vua nghĩ ra chuông đồng đặt trước triều đình để ai có oan khuất thì lên đây kéo chuông giải quyết.

TAND Tối cao: “Không có chuyện đúc hàng nghìn tượng, tốn hàng nghìn tỷ - 1

Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định: "Chưa đặt ra việc xây dựng tượng trong mùa Covid này” (Ảnh: Thế Kha).

Bản thân vua Lý Thái Tông cũng trực tiếp xét xử rất nhiều vụ án nổi tiếng trong lịch sử với tinh thần hoà hiếu, nhân văn. Đồng thời đào tạo con trai mình trở thành vị quan xét xử nổi tiếng, liêm khiết và công tâm; thậm chí việc xét xử của người con còn nổi tiếng hơn vua cha.

Chưa đặt ra chuyện dựng tượng vào lúc này

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, hôm nay (28/4) là ngày kết thúc giai đoạn lấy ý kiến về 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông. “Chúng tôi tôn trọng các ý kiến đó. Tất cả những ý kiến đều thiện chí, rất trách nhiệm. Tôi biết dư luận đang rất quan tâm. Chúng tôi hết sức lắng nghe”- ông nói.

Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các nhà sử học, nhà điêu khắc và cơ quan chuyên môn, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định: “Không có chuyện đúc hàng nghìn tượng, tốn hàng nghìn tỷ đồng như dư luận lo ngại. Không có chuyện làm tuỳ tiện, không có căn cứ”.

TAND Tối cao: “Không có chuyện đúc hàng nghìn tượng, tốn hàng nghìn tỷ - 2

Các nhà sử học, điêu khắc thảo luận về 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở TAND Tối cao.

Ông cho rằng đây là việc tôn vinh công trạng của các vị tiền nhân; thông qua việc xây dựng tượng còn gửi gắm vào đó vị thế của dân tộc ta trong lịch sử. Việc chọn tượng hoàng đế Lý Thái Tông đã được làm rất tỷ mỉ, nhất quán, cần thiết để giáo dục các thế hệ và rất có căn cứ khoa học, làm bài bản”.

Ông mong muốn nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sẽ thể hiện bức tượng “thuần Việt hơn”, mang bản sắc nền công lý xét xử tư pháp hơn và chứa đựng thêm các thông điệp về thượng tôn pháp luật. Hơn nữa, vì tượng dựng ở toà án nên trước hết phải có tác dụng giáo dục các thẩm phán.

Đặc biệt, Chánh án TAND Tối cao khẳng định: “Chưa đặt ra việc xây dựng tượng trong mùa Covid này”.

“Việc xây dựng bức tượng này nếu có trong tương lai, phải trong thời điểm thích hợp, không sử dụng ngân sách nhà nước, mà bằng sự đóng góp của cán bộ ngành toà án - gửi gắm vào đây sự tôn kính đối với vua, có nhiều công trạng trong hoạt động xét xử”- ông nói.

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Điêu khắc (Bộ VH-TT&DL) nói về áp lực những ngày qua khi TAND Tối cao lấy ý kiến về 3 phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.

Rất áp lực

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường - nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Điêu khắc (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết những ngày qua ông gặp rất nhiều “áp lực” khi TAND Tối cao lấy ý kiến góp ý về 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông.

“Những chi tiết về quần áo, trang phục được lấy từ tư liệu lịch sử để xây dựng nên và phải có những quy định chặt chẽ”- ông nói.

Trong khi đó, hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh (nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) khẳng định, việc TAND Tối cao chỉ định mời nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường hoàn toàn hợp thức về pháp lý và đúng quy định của pháp luật, bởi ông Cường đã được giải thưởng nhà nước và có 2 công trình điêu khắc được xếp loại A.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình mong ông Cường “vượt qua được áp lực thì chất lượng sẽ cao”. “Phải lắng nghe dư luận xã hội, tiếp thu ý kiến và tiếp thu được một cách sáng suốt thì chất lượng sẽ rất cao”-ông Bình chia sẻ.

Thay cụm từ "biểu tượng công lý, xét xử"

Đáng chú ý, tại cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông chiều 28/4, toàn bộ tài liệu của TAND Tối cao và ý kiến của các nhà sử học, nhà điều khắc đều không dùng cụm từ "biểu tượng công lý, xét xử" như văn bản trước đó gửi xin ý kiến góp ý của TAND các địa phương. Thay vào đó là cụm từ "nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam".

Lý giải việc này, một lãnh đạo TAND Tối cao cho rằng có thể bộ phận soạn thảo văn bản đã sử dụng từ ngữ không chuẩn xác. Chính xác phải là lựa chọn, xây dựng tượng vua Lý Thái Tông - nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

Thế Kha