1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tan hoang “rốn lũ” Pác Nặm

(Dân trí) - Sau trận mưa lũ kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) hôm 3-4/7, có 7/10 xã của huyện bị cô lập hoàn toàn; 13 người thiệt mạng, 12 người mất tích đã được tìm thấy. Thiệt hại ban đầu ước tính trên 100 tỷ đồng.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Pác Nặm, tính đến 10 giờ sáng ngày hôm nay, 6/7, đã có 13 người thiệt mạng do mưa lũ trên địa bàn. Lực lượng cứu hộ mới tìm được xác 4 người, 9 người còn lại vẫn bị vùi trong bùn đất nhưng cũng đã xác định được danh tính. 12 người dân mất tích do hoảng sợ chạy trốn lũ đã tìm được.

 

16 ngôi nhà tại 3 xã Công Bằng, Cổ Linh và Nhạn Môn bị sập đổ, lũ cuốn trôi hoàn toàn. Lũ cuốn kèm theo sạt đất cũng làm sạt lở tatuy ảnh hưởng đến 37 nhà tại các xã Nhạn Môn, Bộc Bố, An Thắng, Công Bằng, Cổ Linh... Đến thời điểm hiện tại còn 7/10 xã bị cô lập hoàn toàn. Các tuyến kênh mương hỏng nặng lúa và hoa màu bị vùi lấp với diện tích lớn chưa thống kê được.

 

Trên tuyến tỉnh lộ 258B từ thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) vào thị trấn Bộc Bố (huyện Pác Nặm) liên tiếp có những đoạn bị sạt lở nghiêm trọng khiến con đường huyết mạch này bị tắc hoàn toàn. Nhiều đoạn ngập trong bùn đất. Lực lượng cứu hộ và nhân dân địa phương ra sức dọn dẹp, đến sáng nay, đường mới thông trở lại.

 

Con sông Năng chảy qua huyện Ba Bể đục ngầu. Bao ruộng lúa, bờ ngô của người dân ven sông bị dòng nước nhấn chìm. Trên tường của nhiều ngôi nhà còn “dấu ấn” của trận lũ ngập gần sát mái hôm trước. Đập tràn qua xã Nghiên Loan chìm trong biển nước. Xe đưa đoàn PV Dân trí đi đến đây cũng bị khựng lại vì chết máy.

 

Đèo Kéo Pẻo có chỗ bị sạt quá nửa đường từ hôm 4/7. Công nhân của Hạt Quản lý đường bộ 7 phải lập các hàng rào chắn để tránh nguy hiểm cho người đi đường. Ông Hà Vĩnh Tuyên, Đội trưởng Hạt quản lý đường bộ 7 cho biết: “Từ giờ đến chiều 6/7 đơn vị sẽ tiến hành san ủi đất mở rộng đường và tiến hành lắp biển giao thông cảnh báo các phương tiện qua lại”.

 

Tại bản Khên Lền (xã Công Bằng, một trong những xã bị cô lập với bên ngoài), chiều dài vết trượt của lũ rộng 150 mét, dài 500 mét, kéo theo hàng nghìn mét khối đất đá, vùi lấp nhiều ngôi nhà và hoa màu.

 

11 giờ trưa 6/7, lực lượng chức năng đã vào được thôn Slam Vè (xã Nhạn Môn), nơi không tiếp cận được mấy ngày nay. Rất may, tại đây không có thiệt hại nào về người.

 

Tại trung tâm huyện Pác Nặm công tác cứu hộ khẩn trương hơn lúc nào hết. Các đơn vị bộ đội công an đóng trên địa bàn và từ Trung ương tăng cường về đã tập kết tại đây chuẩn bị các phương án cứu hộ. Trưa nay, ông Hà Đức Tiến, Chủ tịch UBND huyện Pắc Nặm đã ký lệnh tập trung khẩn cấp, huy động Trung đội Dân quân cơ động của huyện (28 người) làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Công Bằng, nơi chịu thiệt hại nặng nhất của trận lũ này với 10 chết tính đến thời điểm này.

 

Ông Tiến cho biết, mọi công tác cứu trợ, cứu nạn đang được tiến hành khẩn trương. Bằng nguồn lực tại chỗ UBND huyện đã khẩn cấp hỗ trợ mì tôm, xây dựng các nhà tạm để đồng bào trú chân và làm công tác cứu trợ. Huyện cũng đã tính đến phương án di dời toàn bộ bản Khền Lền (xã Công Bằng).

 

Suốt buổi sáng nay, những cơn mưa nhỏ vẫn rải đều trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tại nhiều điểm sạt lở nhỏ theo các cán bộ đang tiềm ẩn nguy cơ chứa những bụng nước, sẵn sàng “bung ra” bất kỳ lúc nào.

 

Trên tỉnh lộ 258B, từng đoàn xe chở bộ đội của Phòng tác chiến (Quân khu 1) vẫn nối đuôi nhau vào huyện. Chiều nay, lực lượng an ninh sẽ điều 6 chú chó nghiệp vụ đến hiện trường làm công tác tìm kiếm những người mất tích.
 
Về vùng “rốn lũ” Pác Nặm, khắp nơi nhuốm một màu hoang tàn, ảm đạm:
 
Tan hoang “rốn lũ” Pác Nặm - 1


Tan hoang “rốn lũ” Pác Nặm - 2


Tan hoang “rốn lũ” Pác Nặm - 3


Tan hoang “rốn lũ” Pác Nặm - 4


Tan hoang “rốn lũ” Pác Nặm - 5


Tan hoang “rốn lũ” Pác Nặm - 6


Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những thông tin mới nhất về trận lũ lịch sử này.

 

Tuấn Hợp - Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm