Tân Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ những "điểm nóng" giao thông
(Dân trí) - Mới nhận nhiệm vụ hơn 1 tháng, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ về những "điểm nóng" của bức tranh giao thông Thủ đô và những việc sẽ làm ngay trong dịp Tết này.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, Hà Nội có 35 điểm ùn tắc. Trong năm 2022 ngành giao thông đã giải quyết được 8 điểm nhưng lại phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới.
"Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đang gia tăng một cách rất nhanh chóng. Thành phố có 10 triệu dân nhưng đã có tới 7,7 triệu phương tiện xe cá nhân; trong đó tốc độ gia tăng ô tô cá nhân rất nhanh khi Hà Nội đã có 1 triệu ô tô rồi. Riêng năm 2022 đăng ký phương tiện mới khoảng 350.000 xe", ông Thường nói.
Với tốc độ gia tăng phương tiện như vậy, Hà Nội rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhưng nguồn vốn đầu tư công mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu.
Sở GTVT Hà Nội đã tái thành lập Tổ công tác liên ngành về tổ chức giao thông và chống ùn tắc giao thông, họp vào thứ 5 hàng tuần để lắng nghe các kết quả khảo sát thực địa, đánh giá tình hình tổ chức giao thông.
"Chúng tôi xem xét về từng điểm ùn tắc giao thông mỗi tuần, đặt ra mục tiêu mỗi tuần sẽ xử lý dứt điểm được các điểm ùn tắc nào, đánh giá hiệu quả thực hiện ra sao… Đối với những dự án, địa điểm, hành lang có lưu lượng giao thông lớn, gây bức xúc dân sinh thì phải có tư vấn, đếm xe, áp dụng phần mềm mô phỏng giao thông để có cơ sở khoa học, thực tiễn", ông Nguyễn Phi Thường chia sẻ.
Trong những ngày cuối năm, lưu lượng phương tiện tăng rất cao, hàng loạt công trình mang tính trọng điểm của thành phố được yêu cầu khởi công và triển khai thực hiện.
"Rất nhiều dự án trọng điểm đều muốn khởi công trước Tết, không chỉ liên quan đến tiến độ giải ngân mà nhiều dự án liên quan đến nhà thầu nước ngoài, nếu chậm 1 ngày cũng bị phạt. Nên phải đáp ứng tiến độ, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Nếu tổ chức giao thông hợp lý một chút, làm cho người dân bớt chờ đợi một chút, bớt ách tắc một chút cũng là trách nhiệm của ngành với thành phố, với người dân", ông Thường tâm sự.
Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu cho thành phố triển khai các dự án đầu tư công liên quan đến ngành giao thông vận tải. Từ năm 2022 tới nay, Sở GTVT đã thẩm định 250 hồ sơ dự án; cho ý kiến quy hoạch, chuyên ngành với 359 hồ sơ; tiếp nhận bàn giao 85 hồ sơ nghiệm thu.
Trước Tết, Sở GTVT Hà Nội sẽ thẩm định, tham mưu cho thành phố chuẩn bị đưa dự án đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở vào hoạt động.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đang xem xét phương án tổ chức giao thông hai đầu Ngã tư Vọng và Ngã Tư Sở sao cho tối ưu nhất. "Đường phố Thủ đô rất hẹp, làm đoạn này thông thì đoạn khác lại tắc. Chúng tôi vẫn nói với nhau, thông Ngã Tư Sở không khó nhưng dễ tắc Đường Láng. Đường Láng hiện nay đã vượt tải rất lớn, nên tổ chức giao thông không khéo có thể tắc tới tận đường Láng Hạ, Lê Văn Lương. Vì thế chúng tôi đang tìm phương án tối ưu nhất, phải xem xét cả theo trục đường Trường Chinh, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tây Sơn, Nguyễn Trãi,… Thậm chí sẽ phải có phân luồng từ xa", ông Thường phân tích.
Tân Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục báo cáo thành phố đầu tư thêm cho hạ tầng giao thông, "thông thêm những tuyến vành đai, trục hướng tâm giúp hệ thống giao thông thông suốt hơn" bởi tổ chức giao thông chỉ là cái ngọn, xuất phát điểm là quy hoạch, sử dụng đất, phân bổ dân cư,…
Thành phố 10 triệu dân không thể không có metro được. Tuyến metro Cát Linh- Hà Đông đến giờ đã đạt 7,3 triệu hành khách rồi, quan trọng hơn đã tạo ra văn hóa giao thông mới, loại hình giao thông mới. Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đang chạy thử, hi vọng năm 2023 được đưa vào vận hành tuyến trên cao. Theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến metro, tổng chiều dài khoảng 413km, nhưng tiền rất mắc, suất đầu tư khoảng 100 triệu USD/km. Kêu gọi đầu tư, sử dụng nguồn vốn ODA, PPP,… cũng là vấn đề rất lớn, chưa kể sẽ phải tập trung làm dự án vành đai 4", ông Thường nói.
"Hà Nội chưa bao giờ thực hiện dự án lớn như thế"
Ông Nguyễn Phi Thường chia sẻ, thành phố Hà Nội được Quốc hội đồng ý cho triển khai dự án đường vành đai 4 Thủ đô. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, đi qua 3 tỉnh thành. Vì thế, trách nhiệm của ngành giao thông rất lớn, được UBND TP Hà Nội giao chủ trì thẩm định cả 3 dự án thành phần, "gói ghém trọn vẹn" trong đó cả giải phóng mặt bằng, tái định cư, di chuyển mồ mả, cột điện…
"Đây là trách nhiệm lớn, việc thì gấp phải làm ngay, làm nhanh và có rất nhiều cơ chế đặc thù. Thành phố chưa bao giờ triển khai một dự án lớn như vậy", ông Thường tâm sự.
Hiện nay, 7 quận, huyện của Hà Nội đang tập trung cao độ để cố gắng trước Tết sẽ hoàn thành việc di chuyển xong phần mồ mả, vì "phong tục tập quán của chúng ta nếu để sang năm thì sẽ mất thêm năm nữa".
"Dự án không chỉ mang tính chất là dự án vành đai liên vùng, phát triển vùng thủ đô, mà còn là dự án tái cấu trúc đô thị, giãn bớt dân cư ra ngoại thành, ra thành phố vệ tinh, thành phố trong thành phố như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị", tân Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận định.
Dự án đường vành đai 4 sẽ tạo ra dư địa quỹ đất phát triển đô thị, phát triển kinh tế dọc tuyến và giảm tải giao thông cho vành đai 3. Tuyến đường vành đai 3 của Hà Nội sau này sẽ chỉ còn đóng vai trò, chức năng vành đai đô thị chứ không phải vừa đô thị và liên tỉnh như hiện nay.
"Những vấn đề về bức xúc dân sinh chúng tôi đang làm hết sức mình", tân Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định.