1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tân Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy: Chủ động phòng ngừa, chặn vi phạm đất đai

Thế Kha

(Dân trí) - Tân Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy chỉ đạo nghiên cứu các mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm đất đai trên quan điểm chủ động, xử lý nhanh vi phạm, tránh kéo dài thời gian để hợp thức hóa sai phạm.

Sáng 28/8, ông Đỗ Đức Duy, tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cuộc họp hoàn thiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tân Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy: Chủ động phòng ngừa, chặn vi phạm đất đai - 1

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy (Ảnh: Đình Trung).

Báo cáo tại cuộc họp, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai khẳng định Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, trong đó có các quy định để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai.

Qua rà soát, một số hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt không còn phù hợp và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế.

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo bà Mỹ, dù đạt được những kết quả nhất định nhưng còn tồn tại một số bất cập, như: Mức xử phạt còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe; quá trình quản lý, sử dụng đất đai phức tạp khiến nhiều vi phạm đã xảy ra trong quá khứ chưa được phát hiện, xử lý - nhất là các vi phạm xảy ra trước ngày 15/10/1993 (cách đây hơn 30 năm), thời hiệu xử phạt đã hết.

Ngoài ra, một số biện pháp khắc phục hậu quả chưa phù hợp với thực tế; khái niệm, thuật ngữ, hành vi vi phạm cụ thể chưa rõ, khó xác định trên thực tế dẫn đến khó khăn trong áp dụng.

Vì thế, dự thảo nghị định trên được xây dựng gồm 4 chương, 36 điều, trong đó giữ nguyên 4 chương và giảm 8 điều so với Nghị định số 91/2019 của Chính phủ.

Sau khi cùng lãnh đạo các cơ quan chuyên môn phân tích, làm rõ các nội dung trong dự thảo, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị ban soạn thảo phải quy định chi tiết, đầy đủ các hành vi vi phạm, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Thanh tra.

Ông Duy yêu cầu bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất giữa pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác và có tính kế thừa, ổn định của hệ thống pháp luật đất đai.

Tân Bộ trưởng cũng chỉ đạo đơn vị soạn thảo nghiên cứu, kiến nghị các nội dung về mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt trên quan điểm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn việc vi phạm về pháp luật đất đai, xử lý nhanh nội dung vi phạm tránh kéo dài thời gian để hợp thức hóa sai phạm về đất đai.

Cách đây hai ngày (26/8), Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm ông Đỗ Đức Duy (Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Đỗ Đức Duy sinh năm 1970, quê ở tỉnh Thái Bình, có trình độ Thạc sĩ Xây dựng.

Trong quá trình hoạt động, ông Đỗ Đức Duy từng làm kỹ sư thiết kế kết cấu công trình; giảng viên Khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Vào tháng 4/2002, ông Duy được biệt phái sang công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) làm chuyên viên rồi Phó Vụ trưởng.

Đến cuối năm 2012, ông được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng và trở thành Thứ trưởng Bộ Xây dựng gần 3 năm sau đó.

Ông Duy tiếp tục được Ban Bí thư chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 vào đầu năm 2017, sau đó được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

3 năm sau đó, ông được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và đảm nhiệm cương vị này cho đến khi được Quốc hội khóa XV phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Tân Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy: Chủ động phòng ngừa, chặn vi phạm đất đai - 2

Tóm tắt quá trình công tác của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy (Thiết kế: Khương Hiền).