1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tài xế uống 30 cốc bia có bị phạt nặng hơn người uống 4 cốc bia?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - "Người uống 30 cốc bia có độ rủi ro rất cao cho xã hội hơn người uống 4 cốc bia, vậy mà mức phạt lại giống nhau. Chúng ta cần tính toán lại vấn đề này sao cho mức phạt phải tương xứng với hành vi".

Tài xế uống 30 cốc bia có bị phạt nặng hơn người uống 4 cốc bia? - 1

Hai vị khách mời tham gia tọa đàm về vấn đề giao thông ngày cuối năm tại Báo Dân trí, ngày 13/12 (Ảnh: Hữu Nghị).

Hai vấn đề lớn của giao thông Việt Nam

Bàn về câu chuyện dường như đã thành quy luật vào mỗi dịp cuối năm đó là áp lực giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM lại tăng cao, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT - Bộ Công an) đánh giá, hai vấn đề lớn nhất nổi lên hiện nay trong giao thông ở Việt Nam là ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. 

Về vấn đề ùn tắc giao thông, mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng theo ông Nhật, hiện nay chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể.

"Đến bây giờ chúng ta chưa có nghiên cứu một cách tổng thể về lưu lượng giao thông hàng năm. Ví dụ như hiện nay, hàng năm số lượng ô tô tăng khoảng trên 10%, mô tô tăng khoảng 7%; trong vòng 10 năm trở lại đây, mỗi năm dân số nước ta tăng khoảng hơn 950.000 người. Trong khi đó tốc độ phát triển hạ tầng giao thông, giao thông công cộng còn hạn chế", ông Nhật nói.

Tài xế uống 30 cốc bia có bị phạt nặng hơn người uống 4 cốc bia? - 2

Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ tại buổi tọa đàm về giao thông do Báo Dân trí kết hợp cùng Cục CSGT tổ chức (Ảnh: Hữu Nghị)

Cũng theo ông Nhật, trên một số tuyến đường cao tốc mà Cục CSGT quản lý có sử dụng hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng đã thống kê được tình trạng ùn tắc giao thông có chiều hướng tăng. Thậm chí có những tuyến như cao tốc TPHCM - Trung Lương, chỉ 10 tháng đầu năm nay, tình trạng ùn tắc đã tăng hơn so với năm 2021 gần 350%.

Từ phân tích trên, vị đại diện Cục CSGT đánh giá, do chưa thực hiện đúng quy hoạch về giao thông đô thị, hạ tầng giao thông tĩnh... nên đã dẫn đến việc tình trạng ùn tắc hiện nay rất trầm trọng.

Về vấn đề tai nạn giao thông, theo ông Nhật, vấn nạn này đã thành quy luật, cứ cuối năm nhu cầu đi lại của người dân lại gia tăng, hoạt động buôn bán kinh doanh sản xuất tăng...  từ đó sẽ kéo theo sự gia tăng của tai nạn giao thông.

Tài xế uống 30 cốc bia có bị phạt nặng hơn người uống 4 cốc bia? - 3

Hai vị khách mời cùng bàn luận về chủ đề "nóng" giao thông cuối năm. (Ảnh: Hữu Nghị).

"Chúng ta phải lưu ý rằng, độ tuổi bị tai nạn thường trong độ tuổi lao động. Đến lúc chúng ta phải có tư duy thay đổi, kể cả việc xem xét đánh giá tai nạn giao thông, đánh giá không chỉ đơn thuần là số vụ, số người chết... mà chúng ta phải có sự đánh giá song song với việc gia tăng của phương tiện, gia tăng về dân số... Bởi vì không thể một vụ tai nạn giao thông ở Hà Nội mà lại đánh giá nó như ở Điện Biên, Lai Châu... Ở Hà Nội và TPHCM mật độ giao thông mức rất cao", ông Nhật nói.

Đồng quan điểm của với ông Nhật, ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng, nguyên nhân của ùn tắc giao thông dịp cuối năm là do nhu cầu đi lại tăng cao. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra các số liệu về sự gia tăng số lượng các phương tiện là ô tô và xe máy.

"Nếu chúng ta không có giải pháp, quy hoạch bài bản căn cơ thì có lẽ tình trạng ùn tắc giao thông sẽ còn tiếp diễn phức tạp trong thời gian tới", ông Minh đưa ra cảnh báo.

Tài xế uống 30 cốc bia có bị phạt nặng hơn người uống 4 cốc bia? - 4

Ông Trần Hữu Minh. (Ảnh: Hữu Nghị).

Mức phạt nồng độ cồn đã đủ sức răn đe?

Mặc dù hiện nay mức phạt đối với tài xế điều khiển phương tiện ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn đã rất cao, nhiều người đánh giá mức phạt như vậy là đủ sức răn đe. 

Cụ thể, ở mức 3, nếu lái xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, đối với ô tô sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng, xe máy là từ 6-8 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng quy định như vậy vẫn còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe. Ông phân tích, bình thường một người uống 4 cốc bia khi đo nồng độ cồn sẽ ở mức 3 và bị phạt ở khung trên. Nhưng một người uống tới 30 cốc bia khi đo nồng độ cồn chắc chắn vượt mức 3 nhưng cũng chỉ bị phạt tương tương người uống 4 cốc bia.

"Người uống 30 cốc bia có độ rủi ro rất cao cho xã hội hơn người uống 4 cốc bia, vậy mà mức phạt lại giống nhau. Do đó, chúng ta cần tính toán lại vấn đề này sao cho mức phạt phải tương xứng với hành vi", ông Minh phân tích.

Cũng theo ông Minh, ở Việt Nam người vi phạm nồng cồn khi xảy ra tai nạn có thể bị xử lý hình sự, tức là khi để xảy ra tai nạn mới bị xử lý. Còn ở một số quốc gia, người lái xe khi bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức nguy hiểm nào đó, mặc dù chưa gây tai nạn nhưng vẫn có thể bị xử lý hình sự, họ coi đó là tội phạm vì tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây tai nạn cho người khác.

Tài xế uống 30 cốc bia có bị phạt nặng hơn người uống 4 cốc bia? - 5

Quang cảnh cuộc tọa đàm về vấn đề giao thông ngày cuối năm, tại tòa soạn báo Dân trí. (Ảnh: Hữu Nghị).

Một nội dung khác cũng được đưa ra bàn luận tại tọa đàm, đó là nhiều vụ tai nạn thương tâm có liên quan đến xe tải, xe quá khổ, nhiều người hay gọi là "hung thần đường phố". Vậy lực lượng CSGT có "chiến dịch" riêng nào để kiểm soát những "hung thần" này, giống như chúng ta đã có Nghị định 100 để kiểm soát các tài xế "ma men"?

Trả lời nội dung này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, trong năm 2022, trước những phức tạp của tình hình mất trật an toàn giao thông, Bộ Công an cũng đã tập trung xác định được những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông đó là vi phạm về tốc độ, vi phạm về nồng độ cồn, ma túy... và tiếp đó là vi phạm của các phương tiện như xe tải, xe quá khổ, cơi nới thành, thùng...

Chính vì vậy, Bộ Công an cũng đã ban hành kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) từ ngày 20/6 đến 20/9. Hiện nay Cục CSGT tiếp tục duy trì việc xử lý các lỗi vi phạm, mà có thể dẫn tới tai nạn giao thông trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2023.

"Có thể nói, qua các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, Cục CSGT nhận thấy rằng các loại xe tải, xe quá khổ... là đối tượng đứng thứ 2 gây ra tai nạn. Nguyên nhân tổng hợp xuất phát từ ý thức và kỹ năng của người điều khiển xe", Đại tá Nhật nói.

Theo ông Nhật, đối với các xe tải, ngoài việc quản lý thì Cục CSGT đang cho kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, bản thân những người lái xe  phải tự ý thức đảm bảo an toàn. Ngoài ra, khi lái xe không phải chịu sức ép về chuyến, về thời gian vận tải, tự nâng cao ý thức thì cái tiếng "hung thần" sẽ bớt đi.

Tọa đàm trực tuyến "Giao thông ngày cuối năm - Nỗi lo và giải pháp" diễn ra ngày 13/12 tại tòa soạn Báo điện tử Dân trí với sự tham gia của 2 khách mời: Ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an.

Tài xế uống 30 cốc bia có bị phạt nặng hơn người uống 4 cốc bia? - 6