Tài xế chỉ đồng ý trả 2.000 đồng, BOT T2 liên tục xả trạm
(Dân trí) - Đến 14h ngày 23/5, các tài xế qua trạm BOT T2 vẫn đang phản ứng gay gắt ở cả hai chiều An Giang - TP Cần Thơ. Trong chiều nay trạm T2 đã phải xả trạm 2 lần vì ùn tắc kéo dài.
Đầu giờ chiều nay, PV Dân trí đã có mặt tại trạm BOT T2 (trạm thu phí trên quốc lộ 91, phường Thời Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), thời gian này các phương tiện qua lại trạm bình thường. Nhưng đến 14h, ở làn xe số 3, hướng An Giang - TP Cần Thơ, một xe tải mang biển kiểm soát An Giang đậu tại khu vực thu phí, không đồng ý mua vé.
Tài xế Trần Quốc Khánh (An Giang) nói: “Tôi đi từ cầu Cái Sắn (An Giang) đi khoảng 200m là rẽ vào quốc lộ 80, không đi trên tuyến quốc lộ 91 nhưng thu tôi 25.000 đồng là vô cùng phi lí. Tôi kiến nghị, di dời trạm T2 ra khỏi khu vực này; hoặc tôi đóng 2.000 đồng tương ứng với đoạn đường tôi đi trên tuyến quốc lộ 91”.
Một tài xế khác đi từ hướng An Giang về Cần Thơ, cũng bức xúc cho biết: “Công việc tôi đi hàng ngày từ hướng Long Xuyên qua huyện Vĩnh Thạnh, đoạn đường đi trên tuyến BOT 91 khoảng 200 -300m nhưng bắt tôi đóng 35.000 đồng thì quá vô lí. Việc này tôi đã chịu đựng 2 năm qua, đến nay ngành chức năng vẫn để trạm T2 tồn tại là điều không chấp nhận được”.
Nhiều tài xế phản ứng bằng cách không cho xe qua trạm, không đồng ý mua vé qua trạm T2. Các tài xế đều có chung phản ứng là trạm T2 đặt sai chỗ; không đồng ý họ chỉ đi vài trăm mét đường quốc lộ 91 nhưng bắt đóng phí toàn tuyến đường này. Các tài xế kiến nghị dời trạm T2 hoặc họ đi đoạn đường bao nhiêu thì tính tiền bấy nhiêu.
Một tài xế đi từ TP Hồ Chí Minh về Long Xuyên cũng bức xúc cho biết: "Cầu Vàm Cống được xây dựng từ tiền thuế của dân (tiền ngân sách vốn vay) có nghĩa là không phải tốn phí khi qua cầu, điều này người dân rất vui mừng. Tuy nhiên khi qua cầu Vàm Cống vào thành phố Long Xuyên người dân phải đóng phí cao hơn phí đi phà… Trái khoáy như thế thì công trình cầu Vàm Cống đầu tư gần 6.000 tỷ đồng còn ý nghĩa gì nữa?".
Theo ghi nhận của PV Dân trí, 14h tài xế phản ứng tại trạm T2, tình trạng kẹt xe kéo dài khoảng 2km; đến 14h30 điều hành xả trạm T2 lần 1. Đến khoảng 14h40 phút, tài xế tiếp tục phản ứng và 10 phút sau, trạm T2 tiếp tục xả trạm. Sau đó, mỗi khi tài xế phản ứng, kẹt xe kéo dài, điều hành lại xả trạm. Khi ổn định trở lại, nhân viên tiếp tục thu phí….
Về qui định cấm dừng xe quá 5 phút tại khu vực thu phí, theo ghi nhận của PV không trường hợp xe nào bị xử lí. Nói về bản cấm không có hiệu lực này, một cán bộ cho biết: “Nếu làm thì tạo thêm điểm nóng; hơn nữa cũng không có phương tiện cẩu xe vi phạm và khi cẩu xe vi phạm phải tính đến chỗ để xe…”.
Như Dân trí đã thông tin, cầu Vàm Cống khánh thành vào ngày 19/5, sau đó 2 ngày các tài xế qua trạm T2 đồng loạt phản ứng, gây kẹt xe và điều hành phải xả trạm.
Ngay sau đó, Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang gửi văn bản kiến nghị lần thứ 15 đến các cơ quan trung ương và đưa ra 3 kiến nghị: Dời trạm T2; Dành hẳn hai làn phương tiện đi và về Long Xuyên – Kiên Giang được miễn phí hoàn toàn; các phương tiện đi bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu.
Sáng 23/5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam họp kín với lãnh đạo An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ bàn giải pháp xử lí điểm nóng T2. Thông tin buổi họp không cung cấp cho báo chí.
Tại cuộc họp này, Sở GTVT An Giang kiến nghị thu phí theo km đường đi thực tế của tài xế đối với xe từ An Giang đi qua cầu Vàm Cống và chiều ngược lại.
Hình ảnh các tài xế phản ứng khi qua trạm T2 chiều nay 23/5:
Khoảng 14h10 phút các tài xế qua trạm T2 bắt đầu phản ứng
Chỉ khoảng 10 phút tình trạng kẹt xe (hướng An Giang về Cần Thơ kéo dài khoảng 2km
Dòng xe tiếp tục nối dài ở chiều An Giang - Cần Thơ
Các tài xế phản ứng gay gắt về việc họ đi vài trăm mét đường nhưng tính giá toàn tuyến quốc lộ 91...
Sau khi xả trạm lần thứ nhất, đến 14h 40 phút ở chiều Cần Thơ - An Giang bắt đầu kẹt cứng...
Một tài xế bức xúc vì barie đập trúng xe... anh yêu cầu giải thích
Một chiếc xe cấp cứu bị nhốt giữa dòng xe kẹt cứng... Ngay sau đó CSGT đã điều tiết cho xe qua trạm.
Nguyễn Hành