1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Việc xử lí phóng xạ trên đường Bạch Đằng:

Tại sao phải “né tránh” ?

(Dân trí) - Sự việc rò chất phóng xạ tại ngôi nhà 628 Bạch Đằng, Hà Nội xảy ra đến nay đã gần nửa tháng, nhưng người dân vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào và ngày càng hoang mang, lo lắng. Chính quyền địa phương cho rằng, Viện Công nghệ xạ hiếm không tích cực phối hợp giải quyết hậu quả vụ việc.

Trong một cuộc trả lời báo chí, ông Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, lại cho biết “chất phóng xạ bị rơi ra là Eu203, chứ chưa phải là đồng vị phóng xạ Eu-152” (?!). Như vậy, thực chất phóng xạ bị phát tán ở ngôi nhà số 628 Bạch Đằng là gì? Tại sao lại có sự bất nhất giữa các câu trả lời của cơ quan hữu trách như vậy? 

 

Ngay sau đó, phóng viên Dân trí tiếp tục liên lạc với ông Lê Bá Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm qua điện thoại. Khi được hỏi về tên của chất phóng xạ đã bị thất thoát ông Thuận đã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà “dẫn lời” của ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân trên báo chí, cho rằng đó là chất Eu-152. Ngay sau đó ông Thuận lập tức dập điện thoại đột ngột sau khi ông hẹn trả lời phỏng vấn vào… tuần sau.  

 

Cấm Viện Công nghệ xạ hiếm hoạt động trong 3 tháng & phạt Viện 44 triệu đồng 

 

Hôm qua 7/6, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận trách nhiệm thiếu sót trong quản lý về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân khi để xảy ra vụ thất thoát nguồn phóng xạ. Ngoài việc bị xử phạt hành chính 44 triệu đồng, Viện Công nghệ xạ hiếm còn bị tạm dừng hoạt động trong thời hạn 3 tháng. 

 

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng khẳng định, dù cho sự việc xảy ra từ 26/5 và phường đã nhiều lần “xin” một cuộc làm việc với Viện công nghệ xạ hiếm, nhưng mãi đến chiều 5/6/2006, Viện mới có buổi làm việc “sơ sơ” tại UBND phường. Ngay cả việc đào bới và xử lý phóng xạ tại ngôi nhà 628 Viện này cũng không thông báo với lãnh đạo phường.

 

Ông Bình đặt vấn đề: “Tại sao những người có trách nhiệm không yêu cầu Đài truyền hình đến quay cảnh những người công nhân xử lí môi trường, tại sao Viện Công nghệ xạ hiếm không có giải thích chính thức và cụ thể trên báo về chất phóng xạ bị thất thoát để người dân có thể yên tâm?”.


Sau các cuộc đo đạc và khảo sát kết thúc vào chiều qua, Viện Năng lượng nguyên tử đã khẳng định môi trường trở lại an toàn. Tuy nhiên nhân dân đường Bạch Đằng vẫn chưa nhận được văn bản kết luận chính thức về vấn đề an toàn môi trường tại khu vực này sau khi bị nhiễm xạ.

 

Người dân vẫn lo lắng

 

Về nội dung cuộc họp giữa Viện Công nghệ xạ hiếm và UBND phường Bạch Đằng, bà Lê Thị Tâm (tổ phó tổ dân phố 61 cụm 10 phường Bạch Đằng, nơi xảy ra vụ việc) đại diện cho dân dự cuộc họp này cho biết: Viện Công nghệ xạ hiếm kết luận môi trường không khí đã trở về bình thường, môi trường nước không bị ảnh hưởng. Về phần người dân sống xung quanh có bị nhiễm hay không thì chưa biết vì hiện nay chưa ai được đi khám. Về phía vợ chồng chị Hoa thì đã bị nhiễm xạ, lượng nhiễm xạ gấp 5 lần một người bình thường.

 

Trong quá trình làm việc, mấy ngày đầu khi dân hỏi thì các công nhân trả lời là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới vô sinh, ung thư… khiến dân rất hoang mang. Ngày đầu làm việc thì công nhân uống nước ở quán nhưng đến ngày hôm sau thì tự mang nước đi uống, chính điều này lại càng làm cho dân lo sợ và nghĩ rằng nguồn nước ở đây đã bị nhiễm chất phóng xạ.

 

"Ngần ấy ngày làm việc nhưng phía Viện chưa có thông báo cụ thể nào để dân đỡ hoang mang", bà Tâm bức xúc.

 

Viện Công nghệ xạ hiếm đính chính rằng, có một số anh em trong quá trình làm khi dân hỏi đã trêu đùa như vậy chứ thực chất không nguy hiểm đến mức độ ấy. Còn việc anh em mang nước đi uống là để... tiết kiệm chứ không phải sợ nguồn nước ở đây đã bị nhiễm xạ.

 

Mặc dù Viện cũng có công văn giải thích trong cuộc họp với phường nhưng văn bản quá dài và dùng quá nhiều từ chuyên môn nên người dân không thể hiểu. Do đó, chính quyền địa phương đã yêu cầu Viện phải có văn bản khác cụ thể và dễ hiểu hơn để thông báo cho dân. 

 

Ngoài ra còn rất nhiều thắc mắc khác xung quanh vụ việc này và phía Viện xạ hiếm hứa sẽ gặp nhân dân vào một ngày gần đây nhất, lập danh sách để những người xung quanh khu vực nhiễm xạ đi khám, xét nghiệm.  

 

Phan Tùng - Cấn Cường

Dòng sự kiện: Vụ phóng xạ Cô ban