1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tại sao bảo hiểm xã hội không trả thẳng vào lương?

(Dân trí) - Là người thứ hai “đăng đàn” trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều qua, Bộ trưởng LĐ- TB&XH Nguyễn Thị Hằng đối mặt với những bức xúc về tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm; khó khăn, phiền hà khi làm thủ tục hưởng chế độ BHXH… “Sẽ xem xét và đề xuất với Chính phủ” vẫn là giải pháp được ưa chuộng của các bộ trưởng khi trả lời chất vấn.

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu, Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng đã có 20 phút để đọc báo cáo trả lời 10 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, nội dung xoay quanh các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chính sách ưu đãi người có công, về việc làm, dạy nghề, về người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn này còn bị đánh giá là chung chung, chưa thực sự giải quyết tận gốc của vấn đề.

 

Trả lời câu hỏi về công tác thực hiện chính sách BHXH hiện nay chưa tốt, bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho rằng, để khắc phục tình trạng này, bộ đã  “Trình QH và Chính phủ ba giải pháp. Trong đó nâng cao chế tài xử phạt. Thủ tướng cũng đã có quyết định nhưng việc thực thi chưa tốt, nhất là cơ quan bảo hiểm”. Và để tạo sự yên tâm cho các đại biểu, Bộ trưởng khẳng định: “Phải có một chương đủ mạnh trong luật bảo hiểm xã hội tới đây”.

 

Tuy nhiên, không đồng ý với câu trả lời của bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Ngọc Lâm, thành phố Hải Phòng, hiện là Giám đốc một doanh nghiệp mỗi  năm đóng bảo hiểm tới hàng chục tỉ đồng, bức xúc: “Quan trọng là phải  chấm dứt ngay tình trạng này, bởi sự cạnh tranh hiện nay rất mạnh, những doanh nghiệp nghiêm chỉnh đóng bảo hiểm lại bị cạnh tranh bởi các doanh  nghiệp trốn bảo hiểm với số tiền  lên đến 5-7 tỉ đồng”. Đại biểu  Lâm lo lắng: “Cứ đà này chắc phải vài năm nữa mới thực hiện được và lúc đó nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản do bị cạnh tranh. Đề nghị Bộ trưởng tham mưu với Chính phủ ra ngay chế tài để giải quyết tình trạng này”. Bà Hằng thừa nhận chế tài xử phạt doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội hiện còn quá thấp, tối đa chỉ 20 triệu đồng trong khi các doanh nghiệp có thể trốn đến hàng tỷ đồng.

 

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trốn bảo hiểm xã hội, đại biểu Lâm đề xuất: “Tại sao chúng ta không trả thẳng vào lương, người lao động đóng bảo hiểm tại chính cơ sở của mình”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho rằng nếu đưa vào lương không thể khẳng định tất cả người lao động sẽ đóng,  trong khi  bảo hiểm là vấn đề an ninh, an sinh xã hội. Hơn nữa nếu thực hiện như vậy sẽ gây phức tạp trong việc thực hiện.

 

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Lâm, đại biểu Nguyễn Đình Xuân, tỉnh Tây Ninh cho rằng, tiền bảo hiểm thực chất là lương và như vậy thì: “Tại sao không thể hiện ngay trong hợp đồng lao động, lương bao gồm cả tiền bảo hiểm, doanh nghiệp chỉ thu hộ và chuyển cho bảo hiểm hoặc nếu trả lương qua ngân hàng thì ngân hàng thu hộ bảo hiểm. Ở các nước họ làm rất tốt việc này”.  Sau khi có hai ý kiến đại biểu về vấn đề “bảo hiểm trong lương”, Bộ trưởng Hằng xin tiếp thu ý kiến và hứa sẽ xem xét một cách nghiêm túc nhất để để xuất với Chính phủ và trình QH.

 

Đại biểu Nguyễn Kim Khanh, tình Bình Phước lo lắng về sự “chung chung”  trong nghị định 102 và đặt câu hỏi: “Vậy thì Đặng Thùy Trâm là dân chính hay quân sự? Miền Nam có rất nhiều đối tượng như vậy, trong chiến tranh không thể phân biệt đâu là dân chính hay quân sự nên họ rất thiệt thòi?

 

Về vấn đề một số đối tượng nghỉ theo chế độ 176 là sĩ quan quân đội, đại biểu Nguyễn Kim Khanh lo lắng đặt vấn đề: “Có nhiều người cống hiến gần 20 năm, vậy mà không được nghỉ hưu, hiện nay có nhiều người cuộc sống rất khó khăn”. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Đặng Thùy Trâm là liệt sĩ, tôi và Bộ trưởng Phạm Văn Trà đã trao đổi và sau khi giải quyết chế độ cho người tham gia chống Pháp, Mỹ thì sẽ tính đến đối tượng này”.

 

Đ.Hòa - H.Hạnh