1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tài sản người liên quan vụ Việt Á, "chuyến bay giải cứu"… được theo dõi sát

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Trung tướng Tô Ân Xô, hầu hết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là án kinh tế. Bộ Công an rất chú trọng điều tra tài sản của những người trong "vùng ngắm".

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/10, báo giới đề nghị Bộ Công an cho biết tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) chỉ đạo, cụ thể là vụ Việt Á, vụ "chuyến bay giải cứu", vụ AIC, vụ Tân Hoàng Minh… ở thời điểm hiện tại.

Tài sản người liên quan vụ Việt Á,

Trung tướng Tô Ân Xô tại cuộc họp báo chiều 1/10 (Ảnh: Thành Trung).

Trả lời tại cuộc họp, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ Công an, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đối với một số vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Công an đang thực hiện quyết liệt, tập trung lực lượng và khẩn trương điều tra, đảm bảo tiến độ theo quy định pháp luật.

Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, Bộ Công an thực hiện quá trình điều tra các vụ án theo phương châm thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người ngay; xử lý một vụ cảnh tỉnh một vùng, một lĩnh vực và đang làm không ngừng nghỉ.

Theo ông Xô, trong vụ án Việt Á, cơ quan công an đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam 28 bị can; vụ Cục lãnh sự (chuyến bay giải cứu - PV) 21 bị can; vụ Tân Hoàng Minh 7 bị can. Bộ vẫn sẽ tiếp tục mở động điều tra trong thời gian tới.

Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thêm, hầu hết các vụ án thuộc diện ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là vụ án kinh tế nên trong quá trình tiến hành tố tụng, Bộ Công an rất chú trọng điều tra, xác minh nguồn tài chính, nguồn tiền đi đến, tài sản của đối tượng trong "vùng ngắm". Điều này được thực hiện để khi tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì số tài sản, nguồn tiền của các đối tượng đều được phong tỏa, kê biên để đảm bảo không thất thoát nguồn tiền cho người dân, Nhà nước.

"Ví dụ, trong vụ án Tân Hoàng Minh, tài sản bị phong tỏa, kê biên có tổng trị giá 4.000 tỷ đồng. Vụ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, tài sản ước tính thiệt hại 150 tỷ đồng, nhưng số tài sản đã phong tỏa, kê biên 1000 tỷ đồng của các đối tượng. Đây là điểm mới và trong vụ án kinh tế phải kiểm soát nguồn tiền của các bị can" - ông Xô thông tin thêm.

Trước đó, tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp 22 của Ban Chỉ đạo diễn ra ngày 17/8, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Ban Chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án, xét xử sơ thẩm 25 vụ án, xét xử phúc thẩm 5 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó, cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan; vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử 9 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, trong đó có vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC, Công ty chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.