Tài sản không minh bạch - khó chống tham nhũng!
Dư luận bàn tán về chuyện một cán bộ cấp phòng thuộc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội kê khai tài sản năm 2012 tăng thêm hàng chục tỉ đồng. Thực hư của con số này chưa biết ra sao, nhưng từ vụ rùm beng này bật ra những chuyện khác.
Cá nhân người kê khai - bà Phạm Mỹ Hoa - có cách giải thích khác với tính toán của báo chí.
Nếu bà Phạm Mỹ Hoa đã khai hết số tài sản của bà sở hữu thì bà là người trung thực hiếm thấy. Bởi hiện có được bao nhiêu cán bộ có nhiều tài sản mà trung thực được như vậy. Một người đứng ra kê khai tài sản, chưa chi đã bị tiếng bấc tiếng chì thì còn ai dám đem thân mình ra cho dư luận mổ xẻ.
Thực tế cho thấy không ít cán bộ giàu có gấp nhiều lần bà Phạm Mỹ Hoa, nhưng họ không kê khai. Thậm chí họ không cần phải kê khai tài sản mặc dù họ có cả một đống tài sản. Rõ ràng so với họ, bà Phạm Mỹ Hoa là người tốt hơn, tử tế hơn, ít nhất là ở khía cạnh chấp hành quy định về kê khai tài sản.
Chưa kể, không ít con cái của quan chức đang sở hữu biệt thự, xe hơi đắt tiền, cổ phần lớn trong các doanh nghiệp, tập đoàn. Có lẽ thật khó để xác minh xem nguồn gốc của số tài sản đó từ đâu mà có. Cũng không ít quan chức không đứng tên biệt thự, đất đai, chung cư cao cấp nhưng người thân trong gia đình đứng tên. Song thật khó để xác định đâu là tài sản này là từ tiền của họ hay từ gia đình họ.
Vì sao lại khó xác định rạch ròi như vậy? Có thể trả lời ngay là luật không quy định cụ thể, thiếu sự minh bạch cần thiết cho việc thực hiện cáo bạch tài sản của cá nhân. Đã là quy định mang tính pháp lý thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có khoảng trời cho riêng ai để đứng trên pháp luật. Ở các quốc gia tiên tiến công dân có thể chơi du thuyền hàng trăm triệu USD, nhưng cá nhân đó chứng minh rõ ràng nguồn gốc đồng tiền và là đồng tiền sạch sẽ, đã đóng thuế cho nhà nước. Ở các quốc gia này, dân có thể đếm được tài sản của tổng thống, thủ tướng và các quan chức chính phủ. Mới đây, cựu Bộ trưởng Ngân khố Pháp – ông Jerome Cahuzac - phải từ chức vì bị phát hiện có hành vi rửa tiền với số tiền 30.000 euro. Ông Cahuzac còn phải đối mặt với án tù 5 năm vì hành vi này.
Ở Việt Nam, không nhiều người dân có thể biết quan chức hàng tỉnh, hàng huyện có mấy căn nhà và bao nhiêu mét vuông đất, còn tiền trong két sắt để trong các ngân hàng lại càng khó biết. Không minh bạch trong kê khai tài sản thì không thể chống được tham nhũng.
Theo Lê Thanh Phong
Lao động