1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tai nạn tàu biển, 23 thủy thủ Việt Nam mất tích

Tai nạn xảy ra ngày 1/5, ngoài khơi vùng biển Thượng Hải, Trung Quốc. Trước khi mất liên lạc, tàu SEA BEE, trọng tải 6.273 DW có phát đi tín hiệu cấp cứu. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa thu được kết quả, toàn bộ 23 thuyền viên trên tàu vẫn bặt tích.

Thông tin này được ông ông Lương Công Nhớ - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết sáng qua, 6/5. Tàu SEA BEE do Công ty Vận tải biển Đông Long (đơn vị trực thuộc trường) quản lý và khai thác, trên đường chở 5.000 tấn thép từ Qinghuang Dao - Trung Quốc đi Manila - Philippines đã bị mất liên lạc với bờ và công ty tại ngoài khơi, cách bờ biển Thượng Hải hơn 100 hải lý.

 

Trước khi mất liên lạc, tàu SEA BEE có gửi điện cấp cứu tới Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn trên biển của Thượng Hải (Trung Quốc). Khi xảy ra sự cố, thời tiết ở vùng biển này rất tốt.

 

Danh sách 23 thuyền viên trên tàu SEA BEE

 

1 - Vu Phan - Thuyền trưởng

2 - Tran Duc Manh

3 - Nguyen Van Binh

4 - Nguyen Canh Duy

5 - Dam Cao Van

6 - Hua Viet Hai

7 - Ho Canh Dai

8 - Tang Huynh Long

9 - Nguyen Van Tran

10 - Trinh Van Khoa

11 - Nguyen Hoai Duong

12 - Nguyen Van Khuong

13 - Le Duc Vuong

14 - Nguyen Dinh Duong

15 - Hoang Quoc Tri

16 - Vuong Toan Hung

17 - Dao Trong Quy

18 - Nguyen Ngoc Dieu

19 - Trinh Van Tuyen

20 - Nguyen Khac Hoc

21 - Pham Van Xoe

22 - Bui Huu Long

23 - Tran Huu Duc

Ngay sau khi có thông tin về sự cố, nhà trường và Công ty Đông Long đã liên lạc với Trung tâm Cứu nạn Biển Đông (Thượng Hải, Trung Quốc); Trung tâm Tìm kiếm và cứu nạn Việt Nam để yêu cầu tìm kiếm và cứu giúp.

 

Ngày 3/5, phía Trung Quốc đã cử tàu cứu nạn DONGHAIJIU 169 ra khu vực tàu đã phát tín hiệu cấp cứu. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, vào khoảng 12 giờ ngày 4/5 - giờ Trung Quốc  (khoảng 11 giờ ngày 4/5 giờ Việt Nam), tàu cứu hộ của bạn đã tìm thấy một thi thể mặc áo phao mang tên tàu SEA BEE gần khu vực tàu phát tín hiệu cấp cứu cuối cùng.

 

Công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang tiến hành tích cực và liên tục. Hiện, nhà trường vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với phía bạn nhưng vẫn chưa có thêm thông tin gì về tàu SEA BEE và toàn bộ 23 thuyền viên trên tàu cũng chưa được tìm thấy. 

 

Tàu SEA BEE đóng tại Nhật Bản từ năm 1981, Công ty Đông Long đã thuê của một công ty khác để quản lý và khai thác. Vào thời điểm xảy ra sự cố, con tàu này mang quốc tịch Mông Cổ. Từ khi tàu gặp nạn, nhà trường đã nhiều lần liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để xin được hỗ trợ nhưng vẫn chưa nối máy được.

 

Sáng 6/5, đại diện của Công ty Đông Long và nhà trường đã bay sang Trung Quốc để thúc đẩy việc tìm kiếm cứu nạn và nhận dạng nạn nhân. Nhà trường cũng thành lập 5 đoàn công tác tới từng gia đình thuyền viên trên tàu SEA BEE để thông báo tình hình và bàn biện pháp khắc phục hậu quả. Theo báo cáo của Công ty Vận tải biển Đông Long, toàn bộ 23 thuyền viên trên tàu là thuyền viên của Trường Đại học Hàng hải do Trung tâm Thuyền viên VICMAC quản lý. Đây là đội ngũ thuyền viên trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm đi biển lâu năm.

 

Chiều 6/5, ông Hoàng Phú Dương - Giám đốc Bảo Việt Hải Phòng cho biết, các thuyền viên trên tàu đã mua bảo hiểm của Bảo Việt Hải Phòng với mức trách nhiệm cao nhất 25.000 USD/người, con tàu SEA BEE cũng mua bảo hiểm với mức trách nhiệm cao nhất 2.000.000 USD.

 

Trường Đại học Hàng hải cũng chưa thể khẳng định là tàu bị đắm khi chưa nhìn thấy xác tàu. Còn về nguyên nhân ban đầu, với tai nạn hàng hải, không thể nói gì khi chưa tìm thấy thuyền viên bị mất tích. Được biết đây là lần thứ 3 xảy ra sự cố nghiêm trọng về tai nạn hàng hải đối với các thuyền viên do Trung tâm VICMAC quản lý trong vòng 2 năm qua. Hai lần trước là các vụ đắm tàu tại vùng biển Hàn Quốc làm 24 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng (vụ tàu Dury và tàu Pionneer).

 

Theo Phạm Hải Sâm

Thanh Niên

Dòng sự kiện: Tàu See Bee mất tích