1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tường trình từ Washington:

Suy tưởng ở phòng bầu dục Nhà Trắng

Cái hôm chuyên cơ chở Thủ tướng Phan Văn Khải hạ cánh tại sân bay quân sự Andrew, ấn tượng chưa phải là hình ảnh ngài đại diện của Tổng thống Mỹ và tất cả các đại sứ của ASEAN đón mà là hai lá cờ Việt, Mỹ đang sải hết độ màu của quốc kỳ trong chiều vàng Washington.

Hai lá cờ Việt, Mỹ đang bay sóng đôi kia, sự kiện đáng lý phải bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX khi sứ thần Bùi Viện của triều Tự Đức sang trình quốc thư với Tổng thống Mỹ hoặc chí ít thì chỉ ít lâu sau cái ngày Bác Hồ ngồi với viên thiếu tá Thomas trong rừng sâu Việt Bắc.

 

Cái ngày mà Thomas sau này đã bộc bạch là sướng như phát điên lên vì  được nói tiếng Anh thoải mái sau hơn nửa tháng phải ngậm miệng kể từ khi Thomas với danh nghĩa quân Đồng minh chống phát xít nhẩy dù xuống núi rừng Cao Bằng.

 

Cái ngày mà nhân dân hai nước Việt - Mỹ đều có mẫu số chung là  hoà bình độc lập bởi họ đều có kẻ thù chung là phát xít Đức, phát xít Nhật. Hoặc phải được khởi đầu bằng buổi chiều ngày mồng 2 tháng Chín năm 1945, sau thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số sĩ quan quân đội Mỹ trong phe Đồng minh tham gia xem duyệt diễu binh ở quảng trường Ba Đình và dưới kỳ đài kia là ban nhạc người Việt Nam chơi bài Star- Spangled Banner (Ngọn cờ đầy sao) khá điệu nghệ.

 

Hay là muộn hơn, vào cái thời điểm ai đó chả nên vội băm bổ hăm hở can thiệp vào Đông Dương trước và sau trận Điện Biên Phủ. Rồi nữa, thời điểm can thiệp dính líu đậm hơn, sâu hơn những năm 1954, 1965 và thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Johnson mà sự hồi âm chỉ bằng súng đạn vv...

 

Phải biết bao nhiêu là máu đã đổ, bao nhiêu là thời cơ đã qua đi để đến cái ngày giã từ vũ khí (tên một cuốn sách của nhà văn Mỹ Hemingway) hai nước bình thường hoá quan hệ tháng 7 năm 1995. Và chẵn mười năm sau mới có cái bắt tay giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ ở Nhà Trắng này!

 

Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng gặp Tổng thống Mỹ. Tại cuộc chiêu đãi ở Hội nghị APEC ở Thượng Hải, không rõ ý định của Ban tổ chức hay tình cờ mà vị trí của Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Phan Văn Khải lại ngồi chung bàn tiệc với Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Nga V. Putin.

 

Trong bữa tiệc ấy, Tổng thống Bill Clinton đã bộc bạch cùng Thủ tướng ta là hồi chiến tranh Việt Nam, ông đã từng nhiều phen trốn quân dịch và có một người bạn thân của ông Bill do không trốn được đã sang Việt Nam và bỏ mạng trong một trận đánh ở Củ Chi...

 

Rồi không biết bằng cách nào, ông Bill cũng biết được ông Khải có hai người em ruột hy sinh trong cuộc kháng chiến. Ông Bill vẻ thành thật chia buồn với gia đình ông Khải và ngỏ ý xin lỗi...

 

Ông Bill nói, ông rất muốn sang Việt Nam nếu không với tư cách Tổng thống thì sau này với tư cách là thương gia hoặc người du lịch. Và như mọi người đều hay, cuối năm 1998, Tổng thống Bill Clinton đã sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam!

 

Tạm khép lại qúa khứ hướng về tương lai. Lợi ích chung của nhân dân hai nước Việt Mỹ  là cơ bản, là lớn hơn nhiều với những khác biệt còn tồn tại. Tìm đến nhau, tập trung khai thác, các lĩnh vực có mục đích tương đồng, đối thoại và tiếp tục phối hợp xử lý những vấn đề còn khác biệt...

 

Nắng vàng ấm chan hoà khắp khuôn viên Nhà Trắng. Phòng Roosevelt còn là phòng ô van mà trong nuớc tôi vẫn nghe người ta nói là phòng bầu dục. Tổng thống G. Bush gương mặt muôn thuở như tôi hằng thấy trên tivi bữa nay chĩnh chiện trong sắc phục màu xám nhạt.

 

Cái bắt tay lẫn cả cười của hai vị nguyên thủ hôm nay chừng như đã có cơ sở từ Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và hơn 130  dự án đầu tư đã và đang được triển khai ở Việt Nam. Rồi với gần 7 tỷ USD kim ngạch buôn bán Mỹ Việt đạt được vào giữa năm nay.

 

Nhìn ra ngoài là nắng vàng ấm chan hoà khắp khu vườn rộng thênh của Nhà Trắng. Bên Tổng thống Bush là Phó TT Cheney. Chánh văn phòng Nhà Trắng A.Card. Cố vấn an ninh Quốc gia Hadley. Phó Ngoại trưởng Zoellick và nhiều quan chức Mỹ cao cấp khác.

 

Tôi đã từng đọc được ở đâu rằng không có mong muốn học tập suy nghĩ, nghe và tôn trọng sự khác biệt giữa con người thì không thể có bất kỳ một thay đổi hiệu quả nào trong đường lối chính trị! Hình như đã có sự thay đổi ấy cùng với sự đổi thay của thời của vận?

 

Bằng cớ là cuộc Hội đàm đã kéo dài so với dự kiến mươi mười lăm rồi hai mươi, hai mươi bảy phút cả thảy. Nhiều ký giả nhìn đồng hồ rồi nhìn nhau!

 

Trong thời gian ấy, tự dưng tôi nghĩ đến hai ý kiến, một của nhà báo Mỹ mới đi thăm Việt Nam đại ý: Việt Nam có một thị trường với hơn 80 triệu dân có nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao. Xã hội ổn định kinh tế đang chuyển mạnh sang quỹ đạo thị trường; con người cần cù, giá nhân công rẻ vv...

 

Người Việt dễ bao dung tiếp nhận cái mới. Nhiều chính sách đang được điều chỉnh để phù hợp với xu thế chung và tập quán thế giới vv... Và đây nữa, suy nghĩ của Phó giáo sư Đại học bang New York Kenneth Herrmann: Tôi mong Chính phủ Mỹ sẽ nói ít hơn, mà thay vào đó là việc họ biết lắng nghe những vấn đề mà Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ. Đây sẽ là một dịp tốt để Mỹ hiểu hơn Việt Nam thông qua một nhà lãnh đạo tài ba!

 

Kia rồi, cánh cửa phòng hội đàm xịch mở và gương mặt hai nguyên thủ nói rạng rỡ thì chưa hẳn, nhưng tươi và cười.

 

Nắng vẫn buông ấm sáng vườn Nhà Trắng! Tôi thoáng thấy Tổng thống Bush ra tận chỗ xe Thủ tướng đỗ tươi cười vẫy tay chào cho đến chiếc xe cuối cùng!

 

Hình như tôi bắt gặp cái cười ấy của Bộ trưởng Quốc phòng D. Rumsfeld khi buổi chiều cùng ngày đến chào Thủ tướng Phan Văn Khải tại khách sạn. Cái cười ấy mở đầu cho câu chào Thưa ngài, tôi đã được thông báo cuộc hội đàm giữa ngài và ông Bush kết quả rất tuyệt!

 

Xuân Ba

Báo Tiền phong

Dòng sự kiện: Thủ tướng đi Mỹ