“Súng bắn đạn cao su cũng có thể gây chết người”
(Dân trí) - Theo một cán bộ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), mặc dù thuộc nhóm công cụ hỗ trợ nhưng súng bắn đạn cao su vẫn có thể gây chết người nếu viên đạn găm vào những vị trí hiểm trên người.
Khảo sát của PV Dân trí cho thấy, súng bắn đạn cao su với rất nhiều kiểu dáng, nhập khẩu từ Đức, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, được rao bán công khai trên nhiều website với mức giá từ 5-20 triệu đồng.
Những người rao bán đều khẳng định súng có thể bắn được đạn cao su, hơi cay hoặc nổ uy hiếp đối phương với cự ly “đạt hiệu quả” lên tới 35m. Trong một clip được đưa lên trang Youtube, một người bán súng bắn đạn cao su còn "biểu diễn" sức mạnh của loại súng này bằng cách đứng ở khoảng cách 1-2 m vẫn có thể ngắm bắn chính xác và xuyên thủng cả hai mặt của vỏ bao thuốc lá.
Bên cạnh súng bắn đạn cao su, các loại công cụ hỗ trợ khác như roi điện, súng điện, gậy điện, hơi cay, còng ngón tay, ngón chân, còng số 8, áo giáp chống đạn, áo chống đâm, ba trắc inox, dùi cui vệ sĩ,… cũng được rao bán công khai trên mạng. Người bán để lại số điện thoại và hướng dẫn khách có nhu cầu giao dịch, mua hàng. Khách mua công cụ hỗ trợ sẽ được nhân viên bán hàng huấn luyện, đào tạo kỹ năng để có thể sử dụng thuần thục (!).
Trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ có trách nhiệm thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) - Tổng cục Cảnh sát, cho rằng lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xử lý đối với những cá nhân, tổ chức rao bán công khai công cụ hỗ trợ trái quy định.
“Ở các vùng biên, giáp ranh với Trung Quốc, Campuchia thì không chỉ có chuyện mua bán công cụ hỗ trợ, mà họ còn mua bán cả vũ khí quân dụng. Tuy nhiên do kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là sự xuất hiện của các lực lượng cảnh sát 141 nên đã kiểm soát khá tốt việc sử dụng súng bắn đạn cao su trái quy định. Gần đây chỉ có 1-2 vụ thôi, thường rơi vào những người lợi dụng chức vụ, sử dụng súng bắn đạn cao su không đúng mục đích”- vị này cho biết.
Theo vị cán bộ C64, các công ty vệ sĩ, an ninh chủ yếu được trang bị các loại công cụ hỗ trợ như roi điện, gậy cao su; riêng súng bắn đạn cao su thì rất ít đơn vị được phép hoặc đủ tiêu chuẩn được trang bị. Đối với các công ty an ninh ở các ngân hàng thì có thể được trang bị nhưng cũng nằm trong tầm kiểm soát rất chặt chẽ của cơ quan chức năng.
“Muốn được trang bị công cụ hỗ trợ, đặc biệt súng bắn đạn cao su thì phải có tập huấn kỹ lưỡng, được cơ quan công an có thẩm quyền cấp chứng chỉ chứ không phải ai cũng được trang bị”- vị này nói và khẳng định dù súng bắn đạn cao su là một dạng công cụ hỗ trợ nhưng “nếu bắn vào chỗ nguy hiểm thì cũng có khả năng gây chết người”.
Việc xử phạt đối với những người sử dụng súng bắn đạn cao su hiện áp dụng theo quy định của Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức tiền từ 2-4 triệu đồng đối với các hành vi cho, tặng, mượn, cho mượn, cho thuê, sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trái quy định chưa tới mức gây hậu quả, giao công cụ hỗ trợ cho người chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn...
“Tuy nhiên nếu người nào đó sử dụng súng bắn đạn cao su gây thương tích cho người khác trên 11% thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Bộ luật Hình sự”- vị cán bộ C64 nói.
Vị đại diện C64 cho biết tới đây sẽ nghiên cứu, đề xuất Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an có văn bản gửi tới tất cả các ngân hàng nhằm chấn chỉnh công tác sử dụng, bảo quản công cụ hỗ trợ trong việc đảm bảo an ninh.
Hà Nội đã trang bị súng bắn đạn cao su cho cảnh sát khu vực
Theo Pháp lệnh số 16/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì công cụ hỗ trợ được trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với quân đội nhân dân và dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với công an nhân dân; chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng khác.
Điều 32 của pháp lệnh quy định, việc nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ do các cơ sở, doanh nghiệp của Bộ Công an, Bộ quốc phòng và các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Công cụ hỗ trợ nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh phải bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tên nước sản xuất, cơ sở sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng, chủng loại, ký hiệu trên từng công cụ hỗ trợ.
Cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự và chỉ được nhượng, bán công cụ hỗ trợ cho các đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định của Pháp lệnh này.
Người được giao công cụ hỗ trợ phải sử dụng đúng mục đích, quy định; bàn giao lại công cụ hỗ trợ cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao. Khi mang, sử dụng công cụ hỗ trợ phải mang giấy phép sử dụng theo quy định của pháp luật. Người được giao bảo quản công cụ hỗ trợ phải có chứng chỉ chuyên môn về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ và nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản công cụ hỗ trợ.
Súng bắn đạn cao su được trang bị cho Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh: Hà An).Tại Hà Nội, từ tháng 4/2013, tất cả cảnh sát khu vực của Công an quận Hai Bà Trưng đã được trang bị súng bắn đạn cao su đa năng để tăng cường giữ gìn an ninh trật tự.
Trả lời báo chí khi đó, lãnh đạo Công an quận Hai Bà Trưng cho biết súng bắn đạn cao su đa năng có hình dạng và tính năng hệt như khẩu súng côn xoay với ổ đạn gồm 5 viên. Ngoài việc bắn được đạn cao su, khẩu súng được trang bị cho cảnh sát khu vực còn bắn được 2 loại đạn hơi cay và đạn sơn đánh dấu.
Theo yêu cầu tập huấn, cảnh sát khu vực ở quận này chỉ được phép nổ súng trong những trường hợp cụ thể, gồm: những người sử dụng trực tiếp vũ khí tấn công cán bộ, chiến sĩ cảnh sát khu vực; đe dọa các công trình an ninh quốc gia, nhà nước, cướp súng của những người thi hành công vụ; những người đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng hoặc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dân; trường hợp đánh tháo những người bị giam, bị dẫn giải đặc biệt nghiêm trọng, hoặc tội phạm nghiêm trọng có hành vi chống lại; động vật đang đe dọa tới sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ hoặc người dân…
“Chiến sĩ cảnh sát khu vực chỉ được phép nổ súng trong trường hợp không còn biện pháp nào khác để khắc chế tội phạm, người vi phạm. Ngoài ra, trong các trường hợp sử dụng súng bắn đạn cao su đa năng, cảnh sát khu vực không được phép nổ súng trực tiếp với phụ nữ, người tàn tật và trẻ em. Trường hợp nổ súng mà chưa xác định được người vi phạm chống đối lại mình, hay từng viên đạn bắn ra khỏi nòng mà không chứng minh được “lý lịch” của nó thì cán bộ, chiến sĩ cảnh sát khu vực cũng đều bị xem xét mức hình thức kỷ luật”- đại diện Công an quận Hai Bà Trưng trả lời báo chí.
Một số vụ dùng súng bắn đạn cao su gây trọng thương cho người khác - Tháng 7/2010, một nhóm người xông vào dự định đóng cửa một chi nhánh của ngân hàng Đông Á ở quận 5, TPHCM. Bảo vệ ngân hàng can ngăn rồi dẫn đến xô xát. Trong lúc này, một bảo vệ đã dùng công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su để bắn, khiến một người trong nhóm kia bị thương. - Ngày 2/5/2013, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đã phẫu thuật lấy một đầu đạn cao su để cứu sống anh Nguyễn Văn Nghĩa (25 tuổi, ngụ ấp Suối Nhát, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ). Anh Nghĩa nhập viện nhập viện trong tình trạng còn tỉnh táo, bị xuất huyết bên thái dương, có vết thương sâu 1,5 cm. Anh Nghĩa cho biết khuya 30/4, sau khi nhậu Nghĩa cùng một nhóm bạn có mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác trong xã nên dẫn đến ẩu đả. Nhóm của Nghĩa đã cầm rựa rượt nhóm đối phương thì Công an xã Sông Ray đến hiện trường. Lúc này Nghĩa phát hiện mình bị bắn vào đầu chảy máu. Sau khi vụ việc xảy ra, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cho hay Công an huyện Cẩm Mỹ khẳng định Công an xã Sông Ray có dùng súng bắn đạn cao su (một loại công cụ hỗ trợ) để bắn chỉ thiên nhằm cảnh cáo hai nhóm thanh niên đánh nhau. Tuy nhiên do quá trình giằng co trong đêm tối nên đạn lạc và trúng vào đầu Nghĩa. - Ngày 31/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Hoàng Hải - Tổng Giám đốc Công ty bảo vệ - vệ sĩ có trụ sở tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) do dùng súng bắn đạn cao su bắn liên tiếp bốn phát đạn, trong đó có hai phát trúng người một người dân, khiến nạn nhân bị thương ở vùng mặt. - Đêm 30 Tết năm 2015, anh Nguyễn Văn Tiến (24 tuổi, trú ở thôn Hiền An, xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cùng nhóm bạn chạy xe máy từ nhà ra cầu Tư Hiền để đón giao thừa. Lúc này anh Tiến chở thêm một người bạn ngồi sau xe và cả hai không đội mũ bảo hiểm. Công an xã Vinh Hiền gọi lại nhưng anh vẫn chạy thẳng. Ngay sau đó, một phó công an xã Vinh Hiền đã dùng súng bắn đạn cao su vào mặt anh Tiến. Tường trình sau đó, vị phó trưởng công an xã này cho biết “chỉ bắn chỉ thiên nhưng do xe anh này tông thẳng vô buộc tôi phải nhảy qua một bên khiến đạn bay ngược lại”. - Tháng 1/2015, trên địa bàn xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) xảy ra vụ việc hai cán bộ quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu dùng súng bắn đạn cao su vào mặt anh Trần Văn Lựu tại tiểu khu 269 giáp ranh giữa hai xã Hương Lâm và Hương Liên. Theo cán bộ quản lý bảo vệ rừng, khi phát hiện anh Lựu và một người khác đang khai thác gỗ trái phép gỗ, đã tiếp cận để ngăn chặn không cho tiếp tục khai thác; đồng thời thu giữ phương tiện, tang vật khai thác gỗ như máy cưa xăng, dao rựa... Nhưng hai đối tượng chống đối quyết liệt, trong quá trình giằng co thì súng bị cướp cò làm bị thương đối tượng. |
Thế Kha