1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Sửa tuổi nghỉ hưu không là giải pháp duy nhất ổn định quỹ BHXH”

(Dân trí) - “Nói việc sửa tuổi nghỉ hưu không liên quan đến đảm bảo quỹ là không đúng. Vì thời gian đóng tăng lên sẽ góp phần ổn định quỹ BHXH. Song về mức độ thì đó không phải là giải pháp duy nhất”, Bộ Trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi.

Ngày 16/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với báo chí những vấn đề mà nhiều đại biểu còn băn khoăn trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH sửa đổi).

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi về việc sửa tuổi nghỉ hưu
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi về việc sửa tuổi nghỉ hưu

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đưa ra các ý kiến trái chiều, thậm chí xem đây là bước thụt lùi trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ban soạn thảo có dự đoán được những phản ứng này?

Góc độ của người soạn thảo là tính đến yếu tố lâu dài, trong lúc góc độ của đại biểu Quốc hội có người nghĩ lâu dài, có người không như vậy. Nhưng hôm nay, sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu về vấn đề này cho phù hợp với ý kiến của đa số, nhất là việc sửa nội dung khoản 3 điều 187 sẽ có tính logic hơn. Mặc dù đã loại trừ lao động nặng nhọc sẽ không nâng tuổi nghỉ hưu; lao động trực tiếp thì sau năm 2020 mới tăng tuổi hưu; nhưng phần đông đại biểu vẫn thấy không nên mà cho rằng tốt nhất sửa luôn khoản 3, điều 187. Tới đây, Bộ sẽ báo cáo lên Chính phủ với trách nhiệm của Ban soạn thảo.

Có ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là nhằm tránh vỡ quỹ BHXH. Song những ý kiến phản biện lại cho rằng việc vỡ quỹ không liên quan đến tuổi nghỉ hưu mà là do việc quản lý quỹ BHXH quá yếu kém, thưa bà?

Nói rằng việc sửa tuổi không liên quan đến đảm bảo quỹ là không đúng. Vì thời gian đóng tăng lên sẽ góp phần ổn định quỹ BHXH hơn. Song về mức độ thì đó không phải là giải pháp duy nhất. Để đảm bảo cân đối quỹ còn nhiều giải pháp khác nữa, như tăng mức đóng BHXH của cả chủ và thợ, giảm chế độ hưởng, cách quản lý tổ chức quỹ tốt hơn, số người đóng bảo hiểm phải đảm bảo tỉ lệ đóng tối đa.

Bộ trưởng giải thích như thế nào trước ý kiến về phí quản lý bộ máy BHXH quá cao, hiện được đề xuất ở mức 3%. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng không nên trích phí quản lý bộ máy từ tiền đóng góp của người lao động?

Thực chất, vừa qua ta lấy từ phí sinh lời của quỹ chứ không phải từ quỹ. Dự thảo lần này cũng đề nghị phí quản lý không vượt quá 3% của khoản sinh lời của quỹ. Tôi thấy nhiều ý kiến đại biểu nói đúng. Phần bảo hiểm đóng hưởng thì ta không sử dụng từ đó mà một là phải lấy từ ngân sách, hoặc từ phần sinh lời.

Có đại biểu phê bình những bất cập của dự thảo, cá nhân bà có thấy buồn về điều này?

Thực sự, dự thảo luật này đã có rất nhiều vấn đề mới, mà chủ yếu là bảo vệ cho quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, có những vấn đề, tính so sánh, như kéo dài thời gian trước đây là 15 năm mới được hưởng 45% lương, mà hiện nay 20 năm mới được 45% và kéo dài tuổi nghỉ hưu. Về tâm lý, tất cả mọi người đều không muốn. Mà chúng tôi cũng không muốn. Song về lâu dài, để đảm bảo tính ổn định và phát triển của quỹ, như đã dự báo, nếu như ta không tiến hành các giải pháp đồng bộ thì khả năng vỡ quỹ vào năm 2034 là rất dễ xảy ra. Vì vậy, ta phải tìm nhiều giải pháp, vừa tăng cường quản lý, vừa thực hiện các chính sách cụ thể trong lĩnh vực bảo hiểm.

Trước ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, nên áp các chế tài hình sự đối với những doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động, bà có đồng tình không?

Ý kiến này hoàn toàn đúng. Ngay cả ban soạn thảo cũng đồng tình ý kiến đó. Những doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH khi người lao động đã bị trừ vào tiền lương thì nên áp dụng biện pháp hình sự. Bản thân dự thảo cũng có phần đã hàm ý cần có biện pháp nặng đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH, nhằm áp dụng chế tài hình sự với tội danh này.

Xin cảm ơn bà!

Quang Phong (ghi)