1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sự thay đổi văn hóa của đồng bào rất ít người ở Nghệ An

CTV Ban Mai

(Dân trí) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống của người Ơ Đu ở Nghệ An đang thay đổi nhanh chóng.

Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Trước khi tái định cư đến bản Văng Môn, hầu hết người Ơ Đu sinh sống rải rác trong các bản người Thái và Khơ Mú. Họ không có bản làng với kết cấu hoàn chỉnh cho riêng mình.

Những bản tập trung nhất cũng chưa quá ba chục hộ gia đình và thường không quá 15% số hộ trong bản. Còn lại chủ yếu có dăm bảy hộ gia đình thường quan hệ gần gũi sinh sống cạnh nhau và xen kẽ với các gia đình người Thái hoặc Khơ Mú.

Đời sống văn hóa xã hội của họ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Thái và Khơ Mú, đặc biệt là văn hóa Thái. Địa bàn cư trú của người Ơ Đu giữa khu vực lòng hồ cũng khó khăn nên việc tiếp cận cuộc sống hiện đại của cộng đồng này tương đối hạn chế.

Sự thay đổi văn hóa của đồng bào rất ít người ở Nghệ An - 1

Phụ nữ ở bản Văng Môn thêu may thổ cẩm thủ công (Ảnh: Bùi Hào).

Người Ơ Đu đang dần tiếp cận hướng hiện đại 

Từ khi đến sinh sống tại bản Văng Môn, quá trình hiện đại hóa trở nên mạnh mẽ hơn. Trước hết là sự hỗ trợ, đầu tư cho người tái định cư của Nhà nước giúp cho người dân nơi đây có thêm những trang thiết bị hiện đại hơn. Sau đó, việc giao thông đi lại dễ dàng hơn nhiều.

Ngoài điện lưới được thắp sáng cả bản, sóng di động và sự xuất hiện của Internet cũng làm cho quá trình hiện đại hóa của người Ơ Đu thêm phần nhanh chóng.

Những bếp lửa dần được thay thế bằng bếp ga hay nồi điện. Dụng cụ sinh hoạt cũng thay đổi, những đồ đạc truyền thống được thay thế dần bằng những sản phẩm thị trường hiện đại.

Nhà cửa cũng thay đổi, từ những ngôi nhà sàn truyền thống đến những ngôi nhà tái định cư màu vàng đang dần xuống cấp, rồi những ngôi nhà cấp 4 hiện đại ngày càng nhiều hơn.

Trang phục cũng thay đổi nhanh chóng. Trước đây người Ơ Đu mặc quần áo mua từ người Thái, nay họ chủ yếu sự dụng trang phục hiện đại mua ở các chợ.

Những trang thiết bị mới như xe máy, tủ lạnh, tivi, quạt điện, rồi cả bình nóng lạnh, máy điều hòa… ngày càng phổ biến. Ngay cả trong sản xuất cũng có những công cụ, máy móc mới từ may xay, máy xát, máy cắt cỏ…

Nhìn vào bản Văng Môn ngày nay không còn thấy những không gian bản làng truyền thống ở vùng cao. Nơi đây đang bị đan xen nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố hiện đại đang dần lấn át.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Ơ Đu là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhiều người dân quan tâm. Nhiều người phụ nữ trong bản đã nỗ lực tìm kiếm lại những bộ trang phục truyền thống của cha, ông còn sót lại để từ đó dệt may lại trang phục truyền thống cho người Ơ Đu. Trong đó có công sức to lớn của bà Vi Thị Dung, bà Lo Thị Nga và một số người khác.

Sự thay đổi văn hóa của đồng bào rất ít người ở Nghệ An - 2

Bà Vi Thị Dung với nỗ lực khôi phục nghề dệt ở Văng Môn (Ảnh: Bùi Hào).

Chính quyền cũng hỗ trợ hàng chục bộ khung cửi để người dân hồi sinh nghề dệt may thổ cẩm. Rồi việc khôi phục ngôn ngữ Ơ Đu cũng được chính quyền quan tâm, tổ chức nhiều khóa học.

Những già làng như Lo Văn Bình, Lo Văn Cường được mời dạy cho bà con trong bản những tiếng Ơ Đu mà họ còn biết. Các phong tục tập quán cũng được tìm hiểu và khôi phục dần.

Bà Mạc Thị Tím, một phụ nữ từng nhiều năm làm trưởng bản Văng Môn, chia sẻ: "Từ khi tái định cư về Văng Môn, chúng tôi quan tâm đến việc khôi phục văn hóa truyền thống. Chúng tôi dành nhiều thời gian gặp những người già trong bản để hỏi kỹ về các phong tục tập quán, về ngôn ngữ, trang phục…

Qua nhiều năm, một số yếu tố văn hóa truyền thống đã được khôi phục, một số cũng được xây dựng lại dựa trên những yếu tố văn hóa người Thái, bởi người Ơ Đu tiếp nhận các giá trị văn hóa Thái một cách phổ biến và lâu đời nên khó mà tách bạch được". 

Sự thay đổi văn hóa của đồng bào rất ít người ở Nghệ An - 3

Một cuộc họp về vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa của người Ơ Đu ở bản Văng Môn (Ảnh: Người dân cung cấp).

Dần đánh mất bản sắc văn hóa

Bên cạnh những nỗ lực khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, người Ơ Đu có một điểm đặc biệt là không cứng nhắc trong quá trình thực hiện các công tác. Họ cũng rất cởi mở tiếp cận các giá trị văn hóa khác.

Trong lịch sử, họ tiếp nhận các giá trị văn hóa Thái, Khơ Mú để phát triển và hiện tại, họ vẫn giữ vững lập trường đó. Họ tham gia các dự án bảo tồn văn hóa, nhưng cũng tìm cơ hội để tiếp cận cuộc sống hiện đại, làm sao để vươn lên phát triển hơn chứ không chỉ thụ động bảo tồn văn hóa.

Người Ơ Đu chủ động tiếp cận các giá trị hiện đại để mở rộng nguồn lực phát triển, làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần của mình hơn là cố gắng tìm kiếm các phương pháp để bảo tồn bản sắc văn hóa của họ.

Một ví dụ chứng minh sự thay đổi trong tâm lý, nhận thức là trong quan hệ hôn nhân. Trong cộng đồng Ơ Đu chỉ có một dòng họ là Lo và quy định trong cùng một họ không được kết hôn với nhau. Vậy nên người Ơ Đu kết hôn với người Thái và Khơ Mú.

Nhưng gần đây có 3 cặp vợ chồng là người Ơ Đu lấy nhau, họ tiếp nhận tâm lý của người Kinh (và một số cộng đồng khác) là dù cùng họ nhưng quá 5 đời thì được phép kết hôn và không bị coi là cận huyết hay vi phạm quy định nội tộc hôn), cùng với đó là 4 trường hợp kết hôn với người Kinh.

Điều này cho thấy nhận thức và tâm lý của người Ơ Đu đang được hiện đại hóa. Nói vậy để thấy, cái gì cũng có tính hai mặt. Và tâm lý, quan điểm của người Ơ Đu như vậy, một mặt tạo điều kiện để họ tiếp cận sự phát triển, nhưng mặt khác cũng làm họ đối diện với việc đánh mất bản sắc văn hóa.

Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và người dân không ngừng nỗ lực để bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của người Ơ Đu. Nhưng cho đến nay, đây vẫn là cộng đồng bị mai một văn hóa nhiều nhất.

Sự thay đổi văn hóa của đồng bào rất ít người ở Nghệ An - 4

Một lớp học tiếng Ơ Đu ở bản Văng Môn (Ảnh: Phan Thắng).

Từ quá trình Thái hóa, Khơ Mú hóa văn hóa, giờ họ lại đối diện với quá trình Kinh hóa, hiện đại hóa văn hóa. Những người Ơ Đu trẻ tuổi đã rời khỏi bản đi làm ăn xa, họ tiếp cận cuộc sống hiện đại một cách nhanh chóng.

Bên cạnh những giá trị tích cực, họ cũng bị rơi vào các tệ nạn xã hội. Lừa đảo, trộm cắp và đặc biệt là ma túy đang đe dọa người dân Ơ Đu.

Mấy năm trước, tệ nạn ma túy cũng hoành hành trong vùng, nhiều thanh niên Ơ Đu ở Văng Môn đã dính phải khiến nhiều cặp vợ chồng phải ly dị, nhiều gia đình tan vỡ.

Đánh mất các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp nhận lối sống hiện đại một cách nhanh chóng, rơi vào các tệ nạn xã hội… Tất cả những điều đó cũng là tiếng chuông cảnh báo cho những người quan tâm trong việc phải hướng đến những chính sách phát triển bền vững đối với dân tộc Ơ Đu trong giai đoạn tới.

Trong Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam công bố năm 1979, dân tộc Ơ Đu đứng cuối cùng với dân số ít nhất. Hiện tại, Ơ Đu chỉ còn chưa đầy 400 người, sinh sống chủ yếu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Hầu hết người Ơ Đu lại tập trung ở bản Văng Môn - một bản tái định cư ở xã Nga My, huyện Tương Dương. Suốt nhiều năm qua, với đặc thù là một dân tộc có dân số rất ít người, cộng đồng Ơ Đu luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bùi Hào

Bài liên quan:

Bài 1: Nỗ lực của Đảng và Nhà nước đối với một dân tộc rất ít người

Bài 2: Cuộc sống thay đổi của người Ơ Đu dưới tác động chính sách dân tộc