1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sự thật về kho báu ở núi Cô Tiên

Thời gian qua, người làng Linh Côn, xã Vân Côn (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn truyền tai nhau về một truyền thuyết kì dị xung quanh núi Cô Tiên (hay Núi Bạch Tuyết) và lời nguyền "tiên nữ". Ngày càng có nhiều người hoặc bị "tiên nữ" nhập hồn, hoặc mơ thấy vàng bạc châu báu.

Những câu chuyện hư thực được thêu dệt xung quanh những bí ẩn của ngọn núi này, khiến nhiều người lo lắng.

 

Một đồn mười về truyền thuyết lạ kỳ

 

Một ngôi làng vốn yên bình trở lên xôn xao về những truyền thuyết đầy huyễn hoặc về ngọn núi Bạch Tuyết. Dưới gốc đa bên ngôi đình cổ, các cụ cao niên trong làng vẫn thường ngồi bàn luận về truyền thuyết và lời nguyền được ông cha truyền lại từ hàng trăm năm trước xung quanh ngọn núi Bạch Tuyết. Hãi hùng hơn, những câu chuyện họ bàn có rất nhiều người dân đã gặp chuyện xui xẻo xung quanh ngọn núi này, có người phá sản, người bệnh tật, ốm đau, chết trẻ, chuyện ma nhập hồn… khiến ai nghe cũng sởn da gà.

 

Vừa dẫn chúng tôi lên thăm núi Bạch Tuyết, nơi bắt nguồn của những truyền thuyết, ông Nguyễn Đình Vượng, một người dân ở đây đã từng lớn lên với những câu chuyện truyền thuyết đó đã không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe những bí ẩn xung quanh vấn đề này.

 

Theo ông Vượng, trong làng giờ không ai nhớ nổi truyền thuyết xưa có tự bao giờ, theo lời ông cha kể lại,  từ thời Trung Quốc xâm lược nước ta, đã chôn rất nhiều vàng bạc, kho báu ở núi Bạch Tuyết. Trong thời gian ấy, chúng đã nuôi một cô gái trong vòng 100 ngày. Thế rồi, sau 100 ngày, người con gái trinh nữ có nước da trắng ngần, mái tóc đen dài óng ả ấy bị thả xuống hố để chôn sống làm thần giữ của. Từ đó, linh hồn người con gái bị yểm bùa ấy cứ quanh quất bên ngọn núi.

 

Câu chuyện như thế đã không là quan ngại của người dân. Nhưng thời gian sau nhiều câu chuyện huyền bí liên quan đến truyền thuyết này cứ ngày một nhân lên qua lời kể của những người dân. Có người còn nhìn thấy những đàn gà, đàn vịt, những con rắn, con lợn bằng vàng. Thế rồi lắp ghép những câu chuyện tưởng như hoang đường đó, người dân lại cho rằng chuyện dưới chân núi chôn vàng là có thật.

 

Đầu những năm 80, để mở ra bí mật đó, ông Nguyễn Tài Hận (thôn Quyết Tiến, Vân Côn) đã tổ chức một cuộc tìm kiếm vàng dưới chân ngọn núi. Nói về những tháng ngày đó, ông Hận tâm sự, đó là một trong những tháng ngày có lẽ tôi không thể nào quên được. Vì đào kiếm kho báu mà tôi từ người giàu có trở nên bần cùng. ông cho biết, hồi ấy mong muốn đi tìm bí mật dưới chân núi, tôi đã quyết định đào núi kiếm tìm kho báu, khi đào phát hiện lối vào được lát những phiến đá xanh, càng đào sâu đường hầm ăn xiên vào núi hiện ra, một hang đá rộng bằng nửa gian nhà, nhưng cuối cùng mọi người đành bỏ cuộc do có một phiến đá lớn nằm chắn ngang đường hầm.
 
Sự thật về kho báu ở núi Cô Tiên - 1

Ông Vượng chỉ nơi từng là miệng hang ngầm vào núi, nơi được cho rằng ẩn chứa nhiều kho báu.

 

Sau lần kiếm tìm thất bại ấy, kho báu vẫn là bí mật dưới lòng đất, trong khi đó, chuyện làm ăn của ông liên tiếp gặp thất bại rồi trở lên trắng tay, những người tham gia đào có người bị phá sản, người mắc bệnh tật, người chết… khiến người ta tin vào sự trừng phạt của thần linh với lời nguyền khó hóa giải.

 

Ngay cả ông Nguyễn Văn Trắc, Trưởng thôn Linh Thượng cũng cho rằng, ông đã từng thấy bóng cô gái trẻ. Các cụ trong làng cũng truyền nhau về gà vịt bằng vàng, nên tin là thực để sống tốt hơn với chính bản thân mình.

 

Mọi tin đồn đều không có căn cứ

 

Hang núi Cô Tiên, nơi bắt nguồn của những truyền thuyết, nơi mà dân làng cho rằng ẩn chứa những lời nguyền bí hiểm và mang lại những băn khoăn cho người dân nơi đây, bây giờ chỉ còn lại bốn phiến đá chụm vào nhau, trên những phiến đá tưởng như không sinh vật nào có thể sinh tồn ấy, kỳ lạ thay lại có nhiều thân cây tươi tốt, ông Vượng luôn miệng thật kỳ lạ sao những thân cây ấy có thể sống được.

 

Vừa suy nghĩ để tìm lời giải cho những băn khoăn, ông Vượng vừa chỉ chỗ bậc cầu thang dẫn lên trên đỉnh 4 hòn đá. Vị trí này là cửa hang ngầm dẫn vào những bí mật, chỉ có điều do lo lắng, người dân đá quyết định lấp miệng hang và xây những bậc cầu thang. Phía trước 4 tảng đá, người dân địa phương đã xây bàn thờ từ năm 2005 để hương khói cầu an cho làng, cũng là nơi người dân bày tỏ lòng thành những ngày rằm mùng một.

 

Nhìn vào núi Cô Tiên, ông Vượng luôn miệng rằng thiêng lắm. Rồi ông kể những trường hợp bị "tiên nữ" nhập hồn, trong đó có cháu Hoa, cháu ruột ông. Năm nay cháu 14 tuổi, bình thường cháu rất hiền lành ngoan ngoãn, chịu khó học hành, nhưng rồi khi bị "nhập hồn" cháu tỏ ra già dặn đến kinh ngạc, cháu không chỉ đánh cô giáo mà còn lên mặt với cô.

 

Lo lắng gia đình đã mời thầy cúng là bà Nguyễn Thị Đang, sau nhiều ngày cúng bái, cầu khẩn, cháu đã trở lại bình thường. Ngoài ra ông còn kể nhiều trường hợp khác cũng bị "ma nhập hồn" như trường hợp cháu bé ở thôn Quyết Tiến, ngày bị "nhập" cháu  ngớ ngẩn, lảm nhảm, lúc khóc lúc cười nhưng khi được cúng bái, cháu trở lại bình thường…

 

Chính sự linh thiêng của ngọn núi nên khách thập phương ngày rằm, lễ Tết tìm về đây cúng bái rất nhiều. Đến giờ các thiếu nữ trong làng buổi tối ít dám đi qua núi Cô Tiên, bởi chính sự sợ bắt vía trên. Bà Nguyễn Thị Đang, thầy cúng "giải hạn" cho các thiếu nữ bị nhập hồn cho rằng, núi Cô Tiên rất thiêng, dù có ở ranh giới giữa hiện thực và mê tín thì con người phải sống sao cho đẹp lẽ ở đời.

 

Dù ở đó cả một ngày để chuyện trò với người dân, nhưng giữa ranh giới mong manh giữa thực và hư, những lời đồn đoán của người dân vịn theo những truyền thuyết, trên thực tế vẫn chỉ là những tin đồn, thiếu cơ sở. Cán bộ văn hóa xã Vân Côn Nguyễn Sĩ Tiến cho rằng, tất cả những truyền thuyết và lời đổi thổi về lời nguyền ma ám đều không có căn cứ. Ngay nhiều người bảo mơ thấy "tiên nữ" cũng chỉ là giấc mơ. Người dân cho rằng núi thiêng đóng góp xây dựng bảo vệ, tuy nhiên đây không nằm trong khu bảo tồn văn hóa nên chưa có sự quan tâm nào từ các cấp chính quyền.

 

Ông Tiến cho biết, người dân không nên hoang mang về những điều không có thực. Hãy sống sao cho bản thân mình luôn trong sáng, làm những điều thiện giúp ích cho đời. Và núi Cô Tiên sẽ được người dân trong làng gìn giữ như một nét đẹp truyền thống của làng quê yên bình

 

Theo Hải Ninh

 Công an nhân dân