Sự thật về bức ảnh "hai mặt trời" xuất hiện ở hồ Tây
(Dân trí) - Người đăng tải hình ảnh "hai mặt trời" xuất hiện ở hồ Tây cho biết khoảnh khắc đó được chị ghi lại vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Theo chuyên gia, đây là hiện tượng hiếm gặp.
Mạng xã hội vừa lan truyền hình ảnh "hai mặt trời" cùng xuất hiện ở hồ Tây (Hà Nội) vào ngày 11/3. Bức ảnh được nhiều trang thông tin cắt ra từ một video trên mạng xã hội Tiktok để chia sẻ lại.
Với hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên khi lần đầu thấy hiện tượng này.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Nguyễn Lê Thảo Nguyên, người ghi lại được hình ảnh trên, cho biết thực tế video chị đăng tải được quay vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn (tức ngày 11/2), không phải vào ngày 11/3 vừa qua như mạng xã hội chia sẻ.
Thảo Nguyên sinh sống ở Huế, ra Hà Nội chơi vào dịp Tết và đã vô tình ghi lại được hình ảnh trên.
"Thời điểm ghi lại hình ảnh đó, tôi chỉ thấy bầu trời đẹp nên đứng lại quay hình làm kỷ niệm rồi lên xe đi luôn. Gần đây, tôi mở ra xem lại mới ngạc nhiên vì thấy hình ảnh "hai mặt trời" rõ nét xuất hiện cùng lúc trên bầu trời. Do đó, tôi đăng lên mạng để nhờ mọi người lý giải giúp về hiện tượng này", Thảo Nguyên cho biết.
Theo đó, chị Nguyên khẳng định hình ảnh được chị ghi lại vào thời điểm hơn 17h15 chiều 11/2, bằng camera thường của điện thoại, không thông qua phần mềm chỉnh sửa.
Nhớ lại, chị cho biết khi đó không gian thoáng đãng, không quá đông đúc do là đầu năm mới. Ấn tượng của chị là cảnh hoàng hôn ở hồ Tây vào chiều hôm đó rất đẹp.
Sau khi video của chị được nhiều người biết đến và hàng loạt trang mạng xã hội chia sẻ lại, chị Nguyên nhận được nhiều tin nhắn, bình luận muốn xin video gốc vì hình ảnh đẹp và hiếm gặp. Chị cảm thấy vui vì được lan tỏa khoảnh khắc thiên nhiên đẹp đến mọi người.
Theo lý giải của một chuyên gia khí tượng, hình ảnh "hai mặt trời" xuất hiện cùng lúc như video được ghi lại là rất hiếm gặp. Điều này có thể chỉ diễn ra trong khoảnh khắc ngắn, do khúc xạ và tán xạ ánh sáng trong khí quyển sẽ tạo ra ảo ảnh của Mặt trời khi gặp điều kiện phù hợp.
Chuyên gia cho biết đây hoàn toàn là hiện tượng khoa học. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở các vùng địa cực, nhưng hiếm xuất hiện ở những nơi khác.
Trên thế giới, các nhà khoa học cũng từng ghi nhận hiện tượng này ở một số nước. Gần nhất vào tháng 7/2023, hình ảnh "mặt trời đôi" được một người dân ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) ghi lại được cũng gây sốt mạng xã hội của nước này.