Quảng Ngãi:
Sự hiện diện của ngư dân là khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển
(Dân trí) - “Bây giờ đi ra Hoàng Sa phải đi đường vòng, tốn kém hơn, chúng tôi đều chấp nhận. Nếu được hỗ trợ một phần nào đó, giúp chúng tôi an tâm trở thành người chiến sĩ bảo vệ vùng biển Việt Nam, kiên quyết không cho Trung Quốc xâm chiếm đất nước mình”.
“Phía Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 là hành động xâm chiếm, vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Không chỉ vậy, họ còn dùng tàu hải quân và kiểm ngư tấn công tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài tinh thần tiếp tục bám biển, chúng tôi mong được hỗ trợ kịp thời nhằm khắc phục hư hỏng, sớm vươn khơi ở ngư trường truyền thống tại Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) - bày tỏ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.000 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng huyện Lý Sơn có 427 tàu cá với tổng công suất trên 40.000 CV, trong đó có 158 tàu đánh bắt xa bờ, khai thác chủ yếu trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Tàu cá ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung vẫn tiếp tục bám biển Hoàng Sa, Trường Sa cho dù gặp nhiều trở ngại từ Trung Quốc.
Với 32 năm mưu sinh ở Hoàng Sa, ngư dân Mai Văn Lê (53 tuổi, ngụ xã An Vĩnh, Lý Sơn - chủ tàu QNg 96185-TS có công suất 450CV) không nhớ bao nhiêu lần bị phía Trung Quốc tấn công, bắt giữ, cướp tài sản ngay trên ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Với tinh thần bám biển trên đất tổ tiên mà Đội hùng binh Hoàng Sa đã bảo vệ, ngư dân Mai Văn Lê vẫn một lòng cùng 2 con trai tiếp tục vươn khơi.
Ngư dân Mai Văn Lê khẳng định: “Tôi vừa trở về Lý Sơn từ Hoàng Sa cách đây 6 ngày, tôi cùng các anh em ngư dân vô cùng ngạc nhiên khi mọc lên giàn khoan và hàng chục tàu của Trung Quốc. Hành động xâm chiếm như vậy thật phi lý, ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế trên vùng biển của ta. Dù phía Trung Quốc có hành động uy hiếp nào, ngư dân Lý Sơn vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa. Tôi tin tưởng sự hiện diện của mình chính là khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
“Bây giờ đi ra Hoàng Sa phải đi đường vòng, tốn kém nhiêu liệu và kéo dài thời gian hơn, chúng tôi đều chấp nhận cả. Nếu được hỗ trợ một phần nào đó, giúp chúng tôi an tâm trở thành người chiến sĩ bảo vệ vùng biển Việt Nam, đặc biệt ở Hoàng Sa; kiên quyết không cho phía Trung Quốc xâm chiếm bất hợp pháp ở đất nước mình”, ông Lê nhấn mạnh.
Song song với hành động đặt giàn khoan, tàu hải quân và kiểm ngư của Trung Quốc liên tục đâm tàu cá Việt Nam, khiến tàu cá hư hỏng và quay trở về bờ để sửa chữa, gây tổn thất hàng trăm triệu đồng với mỗi chuyến biển bị đe dọa. Mới nhất, vào ngày 7/5, tàu cá QNg 96416-TS của ngư dân Nguyễn Văn Lộc (37 tuổi, ngụ thôn Tây, xã An Vĩnh, Lý Sơn) bị tàu hải quân của Trung Quốc đâm bể mạn tàu cá và hư hỏng nặng ngay tại Hoàng Sa.Hỗ trợ kịp thời cho tàu cá và ngư dân trên tàu của ông Lộc để sớm vươn khơi ra Hoàng Sa.
Đến ngày 9/5, ngư dân Nguyễn Văn Lộc (chủ tàu kiêm thuyền trưởng) cùng 16 ngư dân cập cảng Lý Sơn để sửa chữa lại tàu. Thuyền trưởng Lộc cho biết: “Tàu tôi dự kiến đi khoảng 1 tháng, còn đây chỉ đi có 6 ngày thì bị Trung Quốc tấn công nên đành quay về, gây thiệt hại hơn 150 triệu đồng phí tổn. Chúng tôi tiếp tục vay mượn tiền để khẩn trưởng sửa chữa tàu, ngày mai tôi lại đi Hoàng Sa, bởi đây là mùa đánh bắt hiệu quả nhất. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm bảo vệ vùng biển của Việt Nam mà cha ông ta đã thực hiện nhiệm vụ với Đội hùng binh Hoàng Sa từ hàng ngàn năm trước”.
Không chỉ riêng ngư dân Lý Sơn mà ngư dân Bình Sơn, TP Quảng Ngãi, Đức Phổ điều quyết tâm bám biển trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều gây trở ngại nhất ở Hoàng Sa, chính từ hành động vô nhân đạo của Trung Quốc, luôn tấn công, đập phá, cướp tài sản và gây bất ổn trên biển Đông trong lãnh hải của Việt Nam.
Qua thống kê mới nhất, trong tháng 5/2014, tàu Trung Quốc đã tấn công 3 tàu cá Lý Sơn khi đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, gồm tàu cá QNg 96416-TS của ngư dân Nguyễn Văn Lộc (bị đâm vỡ tàu); tàu QNg 96147-TS do ngư dân Dương Văn Giàu làm thuyền trưởng (bị đập phá, cướp trang thiết bị, ngư lưới cụ và hải sâm); tàu QNg 96354-TS do ngư dân Nguyễn Chí làm thuyền trưởng (bị đập phá và cướp tài sản). Cả 3 tàu cá đều bị tàu Trung Quốc tấn công cùng ngày 7/5 vừa qua.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phùng Đình Toàn – Phó Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh, kiêm thành viên Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi - cho biết: “Chúng tôi luôn tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, để ngư dân xác định phạm vi hoạt động đánh bắt xa bờ. Đồng thời động viên ngư dân Quảng Ngãi bám biển ở Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng về Quỹ hỗ trợ ngư dân, đến nay đã vận động hơn 30 tỷ đồng và tiếp tục kêu gọi, vận động, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ ngư dân gặp nạn đang hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa”.
Theo chức năng và nhiệm vụ, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi thực hiện hỗ trợ không hoàn lại các trường hợp ngư dân bị nạn khi đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho vay ưu đãi để sắm tàu mới, hoặc nâng công suất máy trên tàu cá.
Trong sáng ngày hôm nay (12/5), Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 10 triệu đồng cho tàu cá QNg 96416-TS của ngư dân Nguyễn Văn Lộc. Đồng thời, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ toàn bộ chi phí sửa chữa tàu, mức hỗ trợ 100% thiệt hại do bị tàu Trung Quốc đâm vỡ mạn tàu (tạm ứng ban đầu 400 triệu đồng).Hỗ trợ Cảnh sát biển vùng 2 an tâm thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tại đơn vị Cảnh sát biển vùng 2, UBMTTQVN tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi hỗ trợ 10 triệu đồng đến cán bộ, chiến sĩ thuộc Cảnh sát biển vùng 2.
Trong những năm gần đây, ngư dân Quảng Ngãi luôn bị phía Trung Quốc quấy nhiễu, tấn công, đánh đập ngư dân, cướp và phá tài sản trên tàu cá. Mỗi chuyến biển không may mắn, ngư dân rất cần nguồn hỗ trợ kịp thời, nhờ đó ngư dân khắc phục hư hỏng nhanh chóng và tiếp tục bám biển ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu.UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích khai thác hải sản trên các vùng biển xa đợt 1 năm 2014, với tổng kinh phí 31,5 tỷ đồng. Trong đó, 325 tàu chuyên khai thác hải sản trên vùng biển xa ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi) được hỗ trợ nhiên liệu với tổng số tiền là 30,774 tỷ đồng; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và thuyền viên trên tàu cho 32 tàu với tổng số tiền là hơn 97 triệu đồng; hỗ trợ chi phí mua máy thông tin liên lạc cho 22 tàu với số tiền là 616 triệu đồng. |