1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Sự cố metro số 1: Thiếu sót từ khâu thiết kế đến thi công, vật liệu…

Quốc Anh

(Dân trí) - Sự cố rơi gối cao su dầm cầu metro số 1 (TPHCM) do thiếu sót trong quá trình thiết kế; sai sót thi công, lắp đặt gối cầu; sử dụng vật liệu, chế tạo gối cầu không tuân thủ đúng quy định, tiêu chuẩn…

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM vừa có nhận định ban đầu về sự cố rơi gối cao su dầm cầu tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau khi cùng tổ công tác thực hiện kiểm tra, rà soát các hồ sơ dự án liên quan và do tổng thầu nộp (liên danh Sumitomo - Cienco 6, gọi tắt là liên danh SCC).

Sự cố metro số 1: Thiếu sót từ khâu thiết kế đến thi công, vật liệu… - 1

Hiện trạng đường ray tại vị trí trụ cầu tại vị trí trụ P14-10, nơi gối cao su rơi khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân (đã lắp dầm vào năm 2016).

Cụ thể, nhà thầu phụ Systra (Pháp) thiếu sót trong quá trình thiết kế; liên danh SCC sai sót về thi công, lắp đặt gối cầu; sử dụng vật liệu, chế tạo gối cầu cao su không tuân thủ đúng theo các quy định, tiêu chuẩn được duyệt của dự án.

Ngoài ra còn sự thiếu trách nhiệm của liên danh tư vấn NJPT trong quá trình nghiệm thu công việc lắp đặt, thi công của nhà thầu cũng như chất lượng dự án.

Hiện, liên danh SCC đã tích cực tiếp thu các ý kiến, đồng thời gấp rút triển khai làm rõ các ý kiến được đóng góp để tìm ra nguyên nhân và sớm khắc phục nhằm đảm bảo tiến độ dự án, chất lượng cũng như tuổi thọ của công trình.

Bên cạnh đó, liên danh SCC đã gửi các báo cáo phân tích sơ bộ về nguyên nhân sự cố rơi gối cao su dầm cầu metro, đồng thời nhấn mạnh, cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành để đưa ra kết luận cuối cùng.

Sự cố metro số 1: Thiếu sót từ khâu thiết kế đến thi công, vật liệu… - 2

Liên danh SCC cho rằng sự cố rơi gối cao su tại trụ P14-10 là trường hợp cá biệt.

SCC đã đưa ra kết luận sơ bộ dựa trên kết quả nghiên cứu từng khía cạnh về thiết kế, vật liệu, xây dựng, tác động của lắp ray.

Từ các dữ liệu quan trắc, có thể thấy rằng điều kiện lắp hay xả các kẹp ray dưới sự thay đổi nhiệt độ có thể gây ra tác động đến chuyển động của dầm.

SCC cũng cho rằng quá trình lắp đặt đường ray (trước khi hàn nhiệt) có ảnh hưởng trực tiếp và chủ yếu đến chuyển động của gối.

Giả thuyết nguyên nhân chính của việc gối trượt ra ngoài có thể là do chuyển động của dầm chữ U tăng lên gấp nhiều lần do tác động của ray (tạm thời) vượt quá khả năng chịu lực (của thiết kế) của gối và lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngoài ra, nguyên nhân phụ khác là khe hở trên đá kê gối.

SCC cũng đánh giá rằng, sự cố xảy ra tại P14-10 về bản chất là cá biệt và không được lặp lại ở các vị trí khác dọc theo cầu cạn, ngoại trừ tại P12-34 nhưng biên độ nhỏ hơn nhiều.

Sự cố metro số 1: Thiếu sót từ khâu thiết kế đến thi công, vật liệu… - 3

Tổng thầu liên danh SCC đã đặt gối thay thế đảm bảo ổn định cho dầm trong thời gian xem xét, đánh giá nguyên nhân của sự việc.

Như Dân trí đã thông tin, qua kiểm tra hiện trường ngày 30/10 phát hiện gối cao su (gối trái theo hướng tuyến từ Bến Thành đi Suối Tiên) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân (đã lắp dầm vào năm 2016).

Sau đó, tổng thầu liên danh SCC đã xử lý xong việc đặt gối thay thế đảm bảo ổn định cho dầm trong thời gian xem xét, đánh giá nguyên nhân của sự việc.

Qua quá trình xác minh, chủ đầu tư phát hiện 2 gối cao su lắp trên công trình nhẹ hơn 9kg. Theo hồ sơ thiết kế, hai gối cao su có trọng lượng 126,1kg nhưng thực tế hai gối lắp đặt tại công trình có trọng lượng 117kg.

Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện thêm 1 gối cao su dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu, thuộc đoạn giữa ngã tư Bình Thái và ngã tư Thủ Đức, tại trụ VD12-34.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm