1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sống ở quận sang nhất Cần Thơ, phải bắc cầu khỉ đi vào “đất liền”

(Dân trí) - Từ khoảng 17 năm nay, nhiều hộ dân sống ở khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều phải lội sông, đi đò và bắc cầu khỉ dài 50m mới vào được “đất liền”.

17 năm “treo mình” trên cầu khỉ

Đi trên cầu Cái Sơn nhìn xuống (hướng ra sông Cái Răng) sẽ thấy một chiếc cầu khỉ dài thườn thượt được các hộ dân sống ở “điểm sạt lở nguy hiểm” thuộc khu vực 5, phường An Bình (quận Ninh Kiều) bắc để vào “đất liền”. Mặc dù nơi sống của các hộ dân nơi đây cũng là đất liền, không phải đảo hay cồn mới nổi.

Vừa giao cho khách hàng mấy khúc gỗ, ông Trần Ngọc Hai (60 tuổi) – một trong những hộ dân sống lâu năm nhất ở phần eo đất (phần đuôi đất giữa sông Cái Sơn và sông Cái Răng) cho biết: “Năm 1986 vợ chồng tôi về đây sinh sống. Khi đó từ nhà tôi vào cầu Cái Sơn có con lộ lớn, xe ô tô, mô tô đi lại dễ dàng. Thế nhưng khoảng năm 1998, hiện tượng sạt lở diễn ra liên tục, chẳng mấy chốc con lộ bị “hà bá” nuốt mất. Cũng may tôi thấy trước tình hình nên đã xin địa phương cho làm bờ kè quanh khu đất nên mới giữ được đến ngày hôm nay. Tuy nhiên bây giờ cũng lo lắm, vì sạt lở mỗi ngày một nhiều!”.

 

Hơn chục năm nay, nhiều hộ dân sống tại khu vực 5, phường An Bình muốn vào đất liền phải đi trên cây cầu khỉ như thế này
Hơn chục năm nay, nhiều hộ dân sống tại khu vực 5, phường An Bình muốn vào "đất liền" phải đi trên cây cầu khỉ như thế này

Nói xong, ông Hai dẫn chúng tôi ra trước nhà, chỉ rõ mức độ sạt lở đến mức nào. Theo ông Hai, tính từ bờ kè nhà ông vào điểm sạt lở hiện tại đã trên 10m. Cách đây 3 tháng đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng làm 2 nhà dân phải đóng cửa, di dời đến nơi khác sinh sống. Riêng ông Hai và hai hộ dân còn lại vẫn phải liều mình bám trụ.

17 năm đi cầu khỉ vào "đất liền"

 

Bà Nguyễn Thị Tư (55 tuổi) – cạnh nhà ông Hai thở dài cho biết: “Tính đến cây cầu này nữa, dân chúng tôi chẳng nhớ nổi là đã bắc bao nhiêu cây cầu khỉ như thế này rồi. Cứ cây này mục hư là bắc cầu khác, những lúc chưa bắc cầu kịp phải đi đò nhưng không phải lúc nào cũng có đò. Lúc không đò đành lội sông vào đất liền. Dân chúng tôi ở đây khổ lắm với việc đi lại, cây cầu bé xíu, dưới cầu thì nhiều nọc, đá… chẳng may rơi xuống chẳng biết chuyện gì xảy ra”.

 

Do gia đình ông Trần Ngọc Hai có làm bờ kè nên hà bá chưa nuốt mất căn nhà của ông
Do gia đình ông Trần Ngọc Hai có làm bờ kè nên "hà bá" chưa nuốt mất căn nhà của ông

Bà Tư cho biết thêm, cạnh nhà bà là hộ Huỳnh Xuân Diễm có hai con nhỏ, cha mẹ bận đi làm suốt, hai cháu còn nhỏ không thể đi lại trên cầu nên đành chuyển hộ khẩu về nhà ông bà nội đi học. Khi nào có đường thì cha mẹ lại chuyển chúng về đây đi học tiếp.

Đêm không ngủ vì lo sạt lở...

Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Hồng – chủ nhà 244, khu vực 5 - bàng hoàng kể lại vụ sạt lở hồi tháng 8: “Đêm đó tôi ngủ ở nhà trên, nghe tiếng kêu thất thanh của vợ tôi “chạy ông ơi, sạt lở, sạt lở”. Tôi vừa thoát ra khỏi nhà thì toàn bộ phần đất trước nhà và hiên nhà bị rơi tõm xuống sông. Cũng từ đó, chẳng đêm nào vợ chồng tôi ngủ ngon”.

Hàng chục năm không có giấc ngủ ngon, đêm nằm rình nghe tiếng sạt lở là tình cảnh chung của nhiều hộ dân nơi đây.

Ông Hai cho biết, hiện tại sống tại khu vực điểm sạt lở này có 4 hộ dân, trên dưới 20 người, trong đó có 3 hộ là không có đường vào "đất liền", vì toàn bộ phần đất trước nhà, con đường đã bị sạt hết xuống sông. Vì thế 17 năm qua, 3 hộ dân gom góp tiền, công để bắc cầu khỉ vào đất liền, mỗi năm ít nhất là 2 cây cầu. Cây cầu mới bắc là do UBND phường An Bình cho 80 cây tràm để bà con nơi đây bắc cầu đi lại mấy tháng qua.

Ngoài những rủi ro khi đi trên cầu khỉ, người dân còn tốn tiền gửi xe, mỗi tháng 150.000 đồng/xe máy. Ông Hai nhà có 3 chiếc xe máy, trên 10 năm nay phải đi gửi, tốn biết bao nhiêu tiền. "Nếu chính quyền địa phương sớm có biện pháp làm kè, làm đường cho dân chúng tôi đi thì bà con chúng tôi mừng lắm, vì chúng tôi đã chờ đợi điều này hơn 10 năm nay rồi”, ông Hai tha thiết.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Hà Nhi – Phó Chủ tịch UBND Phường An Bình cho biết, sau vụ sạt lở vừa qua có lãnh đạo Sở GTVT, Sở NN&PTNT cùng lãnh đạo quận Ninh Kiều cùng lãnh đạo phường An Bình có đến khảo sát. Qua đó, chính quyền đã nắm được sự khó khăn và mối nguy hiểm của các hộ dân nơi đây, đã kiến nghị với lãnh đạo thành phố bố trí vốn để gia cố điểm sạt lở này và đã được lãnh đạo thành phố Cần Thơ đồng ý. Phòng Quản lí đô thị quận Ninh Kiều có trách nhiệm lập phương án gia cố tạm điểm sạt lở, nhưng khi nào thực hiện thì địa phương chưa nắm được.

Liên quan đến tìm lối đi an toàn cho hàng chục người dân nơi đây, ông Nhi cho biết thêm, địa phương đã khảo sát, phía sau nhà các hộ dân này không thể mở được lối đi nào. Vừa rồi sau khi cây cầu ván gỗ mục, UBND phường hỗ trợ trạm để bà con đi tạm, về lâu dài phải địa phương tiếp tục kiến nghỉ để quận trình với thành phố có phương án nào khả thi hơn để đảm bảo an toàn cho người dân trong việc đi lại.

Khi chúng tôi ra về, cũng là lúc bà Diệu một tay bế đứa cháu nội vào “đất liền” mua sữa, một tay vịn vào cây tràm lần mò từng bước đi trên cầy cầu khỉ dài mấy chục mét. Một hình ảnh đáng buồn ở quận được coi là sang nhất Cần Thơ này.

10-1446624498381

Điểm sạt lở mà UBND phường cảnh báo - cũng là điểm đất liền mà hàng ngày 3 hộ dân qua cây cầu khỉ vào đây, đi làm, đi chợ...
Cây cầu khỉ được người dân mới bắt vài tháng nay để vào đất liền
Cây cầu khỉ được người dân mới bắt vài tháng nay để vào "đất liền"

 

Sống ở quận sang nhất Cần Thơ, phải bắc cầu khỉ đi vào “đất liền” - 5

 

Sống ở quận sang nhất Cần Thơ, phải bắc cầu khỉ đi vào “đất liền” - 6

Nguyễn Hành