1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Sống giữa vùng sông nước vẫn “khát” nước sạch

(Dân trí) - Hàng chục năm qua, hàng nghìn hộ dân ven sông Gianh ở các xã phía nam huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) luôn sống trong cảnh “khát” nước sạch sinh hoạt. Họ cam chịu dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Long đong tìm nguồn nước

Làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc nằm bên dòng sông Gianh với bốn bề đều là nước nhưng nhiều năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều trở ngại do không có nước sạch để sinh hoạt. Cũng chính vì thiếu nước sạch mà hơn 670 hộ dân của làng Cồn Sẻ phải chấp nhận sử dụng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn trong sự lo ngại sẽ nảy sinh nhiều bệnh tật.

Ông Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẻ cho biết: Toàn thôn có hơn 670 hộ dân với trên 3.500 khẩu, hầu hết các hộ gia đình chủ yếu theo nghề biển. Vì không thể sử dụng nước mặn nên nhiều hộ phải mua nước ngọt từ các địa phương lân cận cách xa hơn chục km để dùng trong sinh hoạt, ăn uống. Hàng  tháng, mỗi hộ dân mua từ 3 - 5m3 nước, nhưng vì mua rất xa nên phải chịu giá cao, trung bình mỗi m3 nước có giá từ 70 -100 nghìn đồng, có khi lên tới 150 nghìn/m3. Để mua được nước ngọt, người dân phải đặt hàng trước, nhiều hộ làm hợp đồng với chủ thuyền trước và việc cấp nước cũng chỉ theo đơn đặt hàng đó mà cung cấp. Nhiều hộ cần nước nhưng không đặt trước thì không thể mua được.

Nói như vậy mới thấy được sự vất vả của người dân nơi đây trong việc tìm mua và đảm bảo nguồn nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Điều khiến người dân trăn trở là nguồn nước mình mua được lấy từ đâu, có đảm bảo vệ sinh hay không? Có khi các chủ thuyền không mua từ nơi khác mà lấy ngay nước ngọt từ các khe núi phía thượng nguồn để về cung cấp cho người dân. Như vậy thì người dân địa phương cũng đành “nhắm mắt” mua nước mặc cho sức khỏe của mình có thể bị ảnh hưởng.

Sống giữa vùng sông nước vẫn “khát” nước sạch
Hàng ngàn hộ dân sống ven sông Gianh nhưng luôn thiếu nước sạch sinh hoạt, phải đi mua nước ở xa với giá "cắt cổ"

Cũng vì lo ngại về xuất xứ nguồn nước không đảm bảo nên nhiều hộ đã bỏ tiền ra đào giếng mong tìm được nguồn nước sạch. Nhưng mất tiền mà người dân cũng chỉ tìm được nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm phèn chứ không hề có nước sạch. Đào giếng không được, nhiều hộ chuyển sang khoan nhưng cũng không khá hơn.

“Vì nhà không có nước sạch nên tui đành mua nước từ bên ngoài về dùng, nhưng do giá nước đắt quá nên cả gia đình 5 người phải hết sức tằn tiện, chỉ dùng cho nấu ăn, uống chứ không dám tắm giặt. Có nước ngọt mua về dùng là may lắm rồi chứ ít ai quan tâm nước đó lấy từ đâu”, một người dân thật thà tâm sự.

Không chỉ Cồn Sẻ mà nhiều xã khác thuộc phía nam huyện Quảng Trạch cũng chung cảnh thiếu nước. Xã Quảng Hải, một trong những xã thiếu nước trầm trọng nhất, toàn xã có 687 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu nhưng 100%  hộ dân phải mua nước quanh năm. Hầu hết các hộ dân sống dọc bờ sông Gianh nên chỉ thấy toàn nước mặn.

Tất cả đều làm nông nghiệp, thu nhập hàng tháng không được bao nhiêu nhưng phải gánh thêm tiền mua nước khiến cuộc sống người dân hết sức lao đao. Giá nước bán ở đây cũng được chia làm nhiều giá khác nhau. Khi mùa lũ vừa đi qua, giá nước có thể từ 30 - 40 nghìn đồng/m3, sau tăng lên 70 nghìn/m3 nước và bây giờ, trong thời điểm nắng nóng, khô hạn, giá nước có khi tăng lên đến 100 nghìn đồng/m3, thậm chí 130 nghìn/m3.

Ông Cao Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch xã Quảng Hải cho biết: “Hàng năm, ngoài hai tháng mưa lũ ngập trắng cả xã thì 10 tháng còn lại hộ gia đình nào cũng phải mua nước để sinh hoạt. Hầu hết các hộ dân đều có bồn chứa nhưng chỉ chứa được khoảng 3m3, vì thế nếu dùng tiết kiệm cũng chỉ được hơn 1 tháng, còn lại là phải đi mua. Nếu tính theo giá bình quân như hiện nay là 80 nghìn/m3 thì trong 10 tháng toàn xã Quảng Hải phải tiêu tốn trên 1 tỷ đồng để mua nước sinh hoạt".

“Dài cổ” chờ dự án cấp nước sinh hoạt

Tình trạng thiếu nước sạch của người dân tại các xã vùng nam huyện Quảng Trạch đã kéo dài hàng chục năm qua. Hiện nay, việc thiếu nước đã diễn ra ở rất nhiều địa phương. Hàng nghìn hộ dân đang phải oằn mình bỏ tiền ra mua nước sinh hoạt với giá cắt cổ.

Nghịch lý là giá nước được đẩy lên cao như vậy nhưng không người dân nào than phiền hay lên tiếng, bởi họ quen rồi giá nước từ nhiều năm qua. Và nếu không mua nước thì không có để sử dụng, như thế càng khiến cho cuộc sống khó khăn hơn.

Sống giữa vùng sông nước vẫn “khát” nước sạch

Vì thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt nên người dân nơi đây phải sử dụng rất tằn tiện. Nhiều gia đình không có điều kiện mua nước sạch nên đành phải dùng nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm phèn

Người dân ở một số xã đang mong muốn có nước để sinh hoạt và trông chờ vào dự án cung cấp nước sạch. Lãnh đạo huyện Quảng Trạch cũng đành bất lực nhìn người dân khó khăn do việc thiếu nước gây nên trong khi Dự án xây dựng nhà máy cấp nước chưa được triển khai. Theo tìm hiểu, từ năm 2008, sau khi tiếp cận được dự án cấp nước sinh hoạt 11 triệu euro từ nguồn vốn tài trợ ODA của Hungary và được Chính phủ phê duyệt danh mục dự án, UBND huyện Quảng Trạch đã quyết liệt đeo bám để có được dự án này, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo kế hoạch ban đầu, đến năm 2013, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến lúc đó, việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở 22 xã ven bờ sông Gianh của huyện Quảng Trạch, nhất là các xã vùng cồn bãi, chắc chắn sẽ dần ổn định. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn dài cổ chờ nước mà dự án thì vẫn “án binh bất động”.

Hiện tại, UBND huyện Quảng Trạch, cũng như Ban quản lý dự án đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục liên quan. Dự kiến đến đầu quý 3/2012 này, dự án cấp nước sạch cho người dân 22 xã của huyện Quảng Trạch sẽ được khởi công. Hy vọng trong tương lai gần, hàng nghìn hộ dân ở các xã thuộc phía nam huyện Quảng Trạch sẽ không còn phải sống cảnh “khát” nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng như hiện nay.

Đăng Đức - Tuấn Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm