PhotoStory

Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Di tích Hưng miếu là một trong những công trình thờ tự quan trọng nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế. Hiện công trình đã xuống cấp trầm trọng, cần được trùng tu, tôn tạo kịp thời, tránh nguy cơ sụp

Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 1

Khu vực các miếu thờ ở Hoàng thành Huế nằm góc tây nam của Hoàng thành, bên trái Ngọ Môn, gồm 2 miếu chính: Thế Miếu (miếu lớn ở giữa) thờ các vị vua triều Nguyễn và Hưng Miếu (miếu nhỏ phía sau).

Thời kỳ nhà Nguyễn, đây được coi là các công miếu, nơi triều đình tổ chức cúng tế, nữ giới (kể cả hoàng hậu) không được tham dự.

Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 2

Hưng Miếu hay Hưng Tổ Miếu (ban đầu có tên Hoàng Khải Miếu) được xây dựng năm Gia Long 3 (1804), hiện nằm trên địa giới hành chính của phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đây là nơi thờ tự ông Nguyễn Phúc Luân (1733-1765) và bà Nguyễn Thị Hoàn, song thân của Vua Gia Long.

Theo dữ liệu của Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, miếu chính là một tòa nhà kép, chính đường 3 gian 2 chái kép, tiền đường 5 gian 2 chái đơn. 

Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 3

Hai bên miếu chính có tường ngăn cách, ở giữa tường trổ hai cửa: Dục Khánh (bên đông), Chương Khánh (bên tây), phía trước là cửa chính của miếu.

Hưng Miếu từng bị hủy hoại trong thời kỳ chiến tranh (1947), sau đó được phục hồi năm 1951 và tu bổ lớn vào năm 1995-1997.

Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 4
Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 5
Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 6

Bên trong đặt thần khám thờ bài vị của ông Nguyễn Phúc Luân (Hưng tổ Hiếu Khang Hoàng đế) và Hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn.

Cả hai vị này đều được truy tôn miếu hiệu và hậu hiệu vào năm 1806, sau khi Vua Gia Long chính thức lên ngôi Hoàng đế. 

Đồ nội, ngoại thất của miếu được sơn son thếp vàng và được trang trí văn thơ chữ Hán theo kiểu "nhất thi nhất họa". Đây là kiểu trang trí phổ biến tại các công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn.

Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 7

Mái của công trình được lợp ngói hoàng lưu ly và trang trí hình rồng đắp nổi bằng sành sứ.

Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 8
Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 9

Là công trình thờ tự quan trọng nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế, nhưng hiện nay, Hưng Miếu đã xuống cấp trầm trọng, phần mái bị thấm dột, các cấu kiện gỗ bị mục, nấm mốc, mối xâm thực, nguy cơ sụp đổ. 

Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 10

Một số cấu kiện gỗ ở hệ khung, mái dù còn tốt nhưng cần sớm được bảo quản, tu bổ để bảo đảm sự an toàn của toàn bộ công trình di tích.

Sơn son thếp vàng tại Hưng Miếu bên trong Hoàng thành Huế - 11

Du khách nước ngoài tham quan Hưng Miếu trong những ngày tháng 7. 

Để kịp thời trùng tu, tôn tạo di tích, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình HĐND tỉnh này xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Bảo quản, tu bổ di tích Hưng Miếu", với tổng mức đầu tư là hơn 47 tỷ đồng.

Tại kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2016 đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án.

Dự án thực hiện trong vòng 4 năm và sẽ tiến hành hạ giải toàn bộ Hưng Miếu, tu bổ phục hồi hệ khung, mái, vách liên ba, đố bản, cửa, liên ba,... đã hư hỏng nặng, đồng thời bảo quản các cấu kiện còn tốt.

Bên cạnh đó, dự án sẽ tiến hành tu bổ gia cố nền công trình, chống mối, chống ẩm nền; phục hồi bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm, các con giống bờ mái; gắn sành sứ; mái lợp ngói âm dương hoàng lưu ly; phục hồi toàn bộ các cấu kiện gỗ bằng sơn son thếp vàng.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc đầu tư tu bổ di tích Hưng Miếu hết sức cấp thiết nhằm phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới, thu hút khách du lịch đến  tham quan.