1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sơn La: Có đến 60% "trùm" ma túy vẫn lọt lưới

(Dân trí) - “Tôi khẳng định không thể có những điểm tập kết ma túy lớn trên đất Việt, vì thế rất khó bắt được các “ông trùm” - Đại tá Lê Minh Tiến trao đổi với Dân trí bên lề phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Nguyên Thủy và đường dây buôn bán trái phép chất ma túy từ Mộc Châu về các tỉnh phía Bắc.

Nhiều năm qua, Sơn La vẫn là một điểm nóng ma túy của cả nước, là đầu “cung” chủ yếu cho các tỉnh phía Bắc. Không cách gì “dẹp” được vùng “chợ đen” này, thưa đại tá?

Đúng. Chúng tôi vẫn xác định Sơn La là một trọng điểm về nạn ma tuý của cả nước vì số lượng ma tuý thẩm lậu vẫn rất lớn. Cái khó là địa bàn quá rộng, có tới 5 huyện với 250km đường biên giới nên chỉ 2-3 tiếng đồng hồ đi bộ đường rừng là các đối tượng đã lấy được ma túy từ Lào mang vào nội địa, kiểm soát rất vất vả.

Thêm nữa, tập trung “dẹp” chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Trước kia Điện Biên là điểm nóng. Khi Điện Biên bị “đánh” mạnh thì bọn tội phạm “dạt” về Sông Mã rồi tiếp tục chuyển địa điểm về Mộc Châu (Sơn La) vì từ Mộc Châu về Hà Nội đường tốt và ngắn nên hệ số an toàn cao.

Vậy là ma túy vẫn tiếp tục “chảy” vào Mộc Châu hàng ngày, hàng giờ?

Chúng tôi đã và đang tập trung truy quét, hạn chế được rất nhiều. Năm 2006, chúng tôi thu giữ được trên 124kg heroin, gần 120 kg thuốc phiện cùng 14.000 viên ma tuý tổng hợp các loại, bắt giữ trên 592 đối tượng.

Đến nay, tôi khẳng định không còn những điểm tập kết ma túy trên đất Việt bởi các “chủ hàng” muốn lấy ma túy phải nằm lại Sơn La chờ, có khi tới vài tháng. Điều đó chứng tỏ không có lượng ma tuý lớn tại chỗ.

Công tác phòng chống ma tuý ở Sơn La được triển khai thế nào thưa ông?

Công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý rất quyết liệt. Có thể nói, số lượng ma tuý mà Sơn La bắt giữ được luôn lớn nhất cả nước. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Hải quan và bộ đội biên phòng để kiểm soát chặt đường biên. Tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo 03 (3/2006) về phòng chống ma tuý, triển khai đến tận tổ dân phố, bản làng…

Tuy nhiên, nhìn chung công tác phòng chống vẫn còn nhiều hạn chế do tuyến biên giới hiện chưa đủ lực lượng. Hơn nữa, những đối tượng đầu nậu lớn dưới xuôi lên, mang theo tiền để dụ dỗ người dân bản địa, những người thiếu hiểu biết về pháp luật, nghèo khó… sang bên kia (Lào) lấy ma túy về để hưởng công vận chuyển. Chính vì thế, những đối tượng bị bắt chủ yếu là “cửu vạn”.

Ông nói các đối tượng bắt được chủ yếu là dân cửu vạn. Vậy cơ quan chức năng có biện pháp nghiệp vụ nào tăng hiệu quả của công tác này?

Đó là việc rất khó vì các đối tượng chủ mưu thường không bao giờ ra mặt trong khi đặc điểm của tội phạm ma tuý là phải bắt quả tang nếu không các đối tượng sẽ chối tội. Còn bắt các đối tượng lớn, đầu nậu thì phải mở rộng điều tra, củng cố chứng cứ tài liệu thì mới mong tóm được những “ông trùm”.

Trong số án ma tuý đã phá được, tỷ lệ các vụ bóc tận gốc của đường dây chiếm bao nhiêu phần trăm thưa ông?

Qua tổng kết, khoảng 40% số vụ chúng tôi bóc tận gốc, tận rễ. Nghĩa là còn đến 60% các “ông trùm” vẫn lọt lưới. Đó là con số chúng tôi rất day dứt.

Được biết lực lượng phòng chống ma tuý hiện gặp nhiều khó khăn do bọn tội phạm ngày càng manh động?

Đúng vậy, các đối tượng buôn bán ma tuý giờ đây rất manh động, thường mang theo “hàng nóng”, khi gặp kiểm tra sẵn sàng nổ súng chống trả quyết liệt. Gần đây, lực lượng phòng chống ma tuý tỉnh cũng phải đổ máu nhiều Nói chung, đây là một cuộc chiến rất cam go.

Xin cám ơn ông!

Phương Thảo (thực hiện)