1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Sôi động chợ bò Tà Ngáo

(Dân trí) - Từ xa xưa, việc chăn nuôi và bán bò của người Khơme luôn gặp nhiều khó khăn bởi bệnh tật tràn lan, hay bị thương lái ép giá. Để “cứu” bà con nuôi bò, một chợ bò đã được lập nên bên bờ kênh Vĩnh Tế (ấp Phú Tâm, An Phú, Tịnh Biên, An Giang).

Chợ bò Tà Ngáo thành lập đầu năm 2006, do Công ty 622 của Quân khu 9 kiểm soát. Hàng ngày, tại đây diễn ra những cuộc trao đổi và mua bán bò vô cùng sôi động giữa tỉnh An Giang và tỉnh Tà Keo (Campuchia), thu hút các thương lái từ các tỉnh, thành ở ĐBSCL, TPHCM, miền Đông Nam Bộ và kể cả miền Trung.

 

“Con bò là đầu cơ nghiệp” nên được người dân nơi đây chăm bẵm, nuôi dưỡng và yêu quý như một thành viên trong gia đình. Đối với người dân vùng bảy núi này, con bò đã trở thành thế mạnh, chiến lược phát triển kinh tế của vùng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, giúp đồng bào người Khơme thoát nghèo.

 

Chợ bò Tà Ngáo là chợ vùng biên duy nhất có ở vùng ĐBSCL. Đứng bên này biên giới phóng tầm mắt nhìn qua dãy núi Thamđưng của Campuchia, phía bên phải dãy núi có một con đường đi thẳng từ Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đến tỉnh Tà Keo, dài gần 100km. Hàng ngày trên con đường này có nhiều chuyến xe chở bò qua lại khu vực biên giới để mua bán và trao đổi.

 

Chú Nguyễn Văn Trừ là một trong những người mua bán bò lâu năm tại đây cho biết, thời gian trước bò chở từ Campuchia nhập sang nhiều lắm, nhưng từ khi trạm thú y kiểm dịch chặt chẽ thì bò “nội” nhiều hơn. “Hàng ngày tôi mua bán khoảng 5, 6 con bò, nghé, kiếm lời khoảng vài trăm ngàn”, chú Trừ khoe.

 

Chú Trừ còn tiết lộ, nếu có vốn mua bò của người Campuhchia đem về vỗ béo rồi bán sẽ rất lời. Nhà chú Trừ hiện nuôi 12 con bò mua từ Campuchia về, dự kiến cho xuất chuồng trong tháng tới, tính sơ sẽ bỏ túi hơn 10 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng chú trao đổi và mua bán gần 20 con bò.

 

Chú Châu Soc Bay là người dân Tịnh Biên, có kinh nghiệm trong việc mua bán bò, cho biết: Mỗi tuần chú cùng đồng nghiệp người Campuchia mua bò ở Tà Keo, sau đó dắt bò về chợ Tà Ngáo kiểm dịch rồi đem bò về nhà. Nhà chú mỗi năm thu về hơn 30 triệu đồng từ việc buôn bán bò.

 

Ngoài các thương lái bò tại địa phương, chợ Tà Ngáo còn đón các thương lái từ TPHCM đến. Do giá thịt bò ở thành phố đắt đỏ, họ tìm về đây mua mong kiếm thêm chút lời.

 

Chợ bò Tà Ngáo không chỉ sôi nổi với hoạt động buôn bán bò mà còn tấp nập nhiều dịch vụ khác. Riêng dịch vụ cắt cỏ bán cho bò cũng đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục dân nghèo.

 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng trạm Thú y huyện Tịnh Biên, cho biết, quy trình kiểm dịch bò của chợ rất chặt chẽ: Hàng ngày có từ 20-30 con bò đưa vào chợ bò Tà Ngáo. Đầu tiên cho bò cách ly 2 giờ, sau đó tiêm phòng, đánh dấu rồi cho người dân đem về nhà lưu lại 2 tuần. Rồi cán bộ kiểm dịch huyện Tịnh Biên lại đến kiểm tra một lần nữa để đảm bảo bò sạch bệnh. Sau đó dân có quyền dắt bò đi bán nơi khác.

 

Cũng theo ông Hùng, chợ bò Tà Ngáo mang lại 3 điều lợi chính: người dân bán bò, đặc biệt là người dân tộc Khơme nghèo, không bị ép giá; khâu kiểm dịch khống chế được dịch bệnh lây lan; quản lý thu thuế cho nhà nước được dễ dàng.  

 

Huỳnh Hải