1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Số phận trớ trêu của những đứa trẻ bị “giam cầm” ở quán phở Lý Quốc Sư

(Dân trí) - Có em sống với mẹ và cha dượng, hàng ngày đi chăn vịt. Vịt dịch bệnh chết nhiều, em bị cha dượng đánh liên tục nên bỏ nhà đi. Có em muốn về với ba mà ba vì sống với vợ kế nên không muốn nhận con. Có em từng suýt bị mẹ bán ngay khi chào đời...

Những đứa trẻ thiệt thòi

Ngày 25/2, trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Thị Hồng Nguyệt, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Bình An, quận 2, TPHCM cho biết: 3 thiếu niên gồm Bùi Công N. (15 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh), N.Đ.A (15 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) và N.V.T (16 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) đang được chăm sóc tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TPHCM.

Quán phở Lý Quốc Sư, phường Bình An, quận 2, nơi lùm xùm vụ sử dụng lao động trẻ em. Hiện tại cơ sở này đã ngưng hoạt động kinh doanh. Ảnh UBND quận 2.
Quán phở Lý Quốc Sư, phường Bình An, quận 2, nơi "lùm xùm" vụ sử dụng lao động trẻ em. Hiện tại cơ sở này đã ngưng hoạt động kinh doanh. Ảnh UBND quận 2.

Đây là 3 trong số 5 em tuổi từ 15 đến 17, được phát hiện làm việc không hợp đồng lao động tại quán phở Lý Quốc Sư, đường Trần Não, phường Bình An do bà Nguyễn Thị Tâm (quê tỉnh Thái Bình) làm chủ. Hai em còn lại là Th. và H. đã được gia đình đón về trước đó.

Theo lãnh đạo UBND phường Bình An, qua tìm hiểu hoàn cảnh các em, phường sẽ kết hợp với các ngành chức năng để tìm hướng giải quyết phù hợp, nhằm giúp các em sớm ổn định cuộc sống, tương lai.

“Do mẹ có chồng khác nên từ nhỏ N. đã sống chung với cha dượng. Hàng ngày em phải đi chăn vịt. Vài năm trước vì dịch bệnh, vịt chết nhiều nên N. liên tục bị cha dượng đánh và em đã tự bỏ nhà đi. Sau đó có người giới thiệu em đến làm việc tại quán phở của bà Tâm. Hiện N. có nguyện vọng muốn được về quê đi học trở lại và phụ mẹ buôn bán. Chúng tôi đang liên hệ với người thân của em N. ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh để đón em về.”, bà Nguyệt cho biết.

Trường hợp của em A. (quê tỉnh Nghệ An), lãnh đạo UBND phường Bình An cho biết đã tiếp xúc được với ba ruột của em. Gặp lại ba, A. tha thiết muốn ba đưa về nhà ở quận 12 nhưng người đàn ông hành nghề xe ôm này đang sống với vợ kế và tỏ thái độ không muốn nhận lại con mình.

“Em A. từng bị ba chở đến quán phở rồi bỏ đi hơn 1 năm qua. Nay gặp lại con và làm việc với chính quyền, ông ta chỉ chăm chăm vào vấn đề tiền lương của con và đề nghị được nhận khoản tiền đó mà không đoái hoài đến con, khiến ai cũng hết sức bất bình. Vì vậy, chúng tôi đang tìm cách để giúp đỡ cho A. ở lại tại trung tâm để học nghề.”, Chủ tịch phường Bình An, chia sẻ.

Riêng về hoàn cảnh của em Th. cũng hết sức đặc biệt. Mẹ em bị tâm thần nhẹ nên ba bỏ đi lấy vợ khác. Khi Th. chào đời suýt bị mẹ bán nếu không có người dì cứu kịp và nhận bé về nuôi.

Tuổi thơ của Th. lớn lên bên sạp bán cá hấp của dì ở chợ Thủ Đức. Tuy nhiên, sau này, Th. suốt ngày chỉ mê chơi game nên dì đưa em về bên nội ở Ninh Thuận. Được nội cho học nghề sửa xe nhưng không chịu nỗi cảnh bị la mắng nên Th. lấy tiền của bà bỏ trốn. Sau đó bị xe ôm đưa vào làm công tại quán phở. Hiện tại dì của Th. muốn cháu mình ở lại trung tâm để học nghề cho đến khi trưởng thành để tự tìm cuộc sống.

Chưa nhận được đơn thư tố cáo

Chủ tịch UBND phường Bình An cũng như Lãnh đạo Công an quận 2 khẳng định, đến thời điểm này, cả 2 cơ quan nói trên chưa hề nhận được bất cứ đơn thư tố cáo nào từ phụ huynh, người thân của các em được cho là bị “giam cầm” tại quán phở Lý Quốc Sư.

Đoàn kiểm tra thuộc Công an quận 2 và UBND phường Bình An kiểm tra việc sử dụng lao động và Vệ sinh ATTP ở quán phở. Đây là vị trí để thức ăn thừa được ghi nhận bên trong quán phở Lý Quốc Sư.
Đoàn kiểm tra thuộc Công an quận 2 và UBND phường Bình An kiểm tra việc sử dụng lao động và Vệ sinh ATTP ở quán phở. Đây là vị trí để thức ăn thừa được ghi nhận bên trong quán phở Lý Quốc Sư.

“Từ nguồn tin báo cơ sở, ngày 18/2, UBND phường và Công an quận 2 đã tiến hành kiểm tra và phát hiện quán phở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sử dụng lao động trẻ em không có hợp đồng lao động nên đã thực hiện xử phạt, đưa các em ra khỏi quán. Riêng về thông tin chủ quán phở có đánh đập, giam cầm các em hay không thì cơ quan điều tra đang làm rõ và nếu có sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.”, bà Nguyệt cho biết.

Theo Công an quận 2 thì, nhiều thông tin cho rằng, người thân của em Nguyễn Hà X. L. (15 tuổi, quê huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, một trong số các em làm việc tại quán phở Lý Quốc Sư và bỏ trốn) làm đơn tố cáo chủ quán phở gởi đến Công an quận 2, UBND phường Bình An là không chính xác vì đến nay, Công an, UBND phường chưa nhận đơn thư cũng như tiếp xúc với người thân của thiếu niên nói trên.

Trong diễn biến khác, chiều 25/2, trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ Công an phường Tân Phú, quận 9 cho biết: Trong ca trực chiều ngày 25/1, ông tiếp nhận em L. từ Công an phường Hiệp Phú (quận 9) chuyển đến và cho biết bé trai này đi lạc, cho em ngồi tại Công an phường để người thân đến đón về.

Theo vị cán bộ nói trên, trong thời gian chờ người thân, em L. rất hoạt bát, lanh lợi không có biểu hiện gì của sự sợ sệt hay hoảng loạn và cho biết mình bị đi lạc. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, chị gái của L. đến đón em mà hoàn toàn không vào trụ sở Công an để hỏi cụ thể nguyên nhân việc em mình thất lạc bấy lâu nay cũng như L. được “giải cứu” ra sao?

“Em L. đi xe buýt đến Suối Tiên và tìm xe để về huyện Đất Đỏ nhưng trong túi không còn tiền. Một người chạy xe ôm nghe em kể lại việc bị giam cầm và trốn khỏi quán phở nên đã chở em đến Công an phường Hiệp Phú trình báo. Sau khi biết được địa phương của L., Công an phường Hiệp Phú đã chở em đến Công an phường Tân Phú (khu vực người xe ôm phát hiện em L.) và liên hệ để người thân đến đón em về”, ông T., Công an phường Hiệp Phú, cho biết.

Lê Nhiên