1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

“Số phận” nhà vườn cổ phụ thuộc vào... Thành phố

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận vừa có công văn đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cho cơ quan này được đầu tư, lập dự án GPMB di chuyển các hộ dân và bảo tồn ngôi nhà vườn cổ duy nhất còn lại.

“Số phận” nhà vườn cổ phụ thuộc vào... Thành phố - 1
Một góc khu nhà vườn cổ (ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Ngày 7/6, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã có công văn số 372/UBND-VP gửi UBND TP Hà Nội đề nghị chấp thuận về chủ trương cho UBND quận Hoàn Kiếm được đầu tư, lập dự án GPMB di chuyển các hộ dân và bảo tồn nhà vườn cổ số 115 Hàng Bạc (cổng sau số 6 Đinh Liệt), phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Nguồn vốn phục vụ công việc trên được huy động từ ngân sách quận Hoàn Kiếm và nguồn vốn xã hội hoá.
 
Công văn trên còn cho biết, nhà số 115 Hàng Bạc, thuộc diện công trình nhà ở có giá trị cần bảo tồn tôn tạo theo “Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu Phố cổ Hà Nội” ban hành kèm theo Quyết định số 45/QĐ-UB ngày 4/6/2009 của UBND TP Hà Nội.
 
Đây là ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong khu Phố cổ Hà Nội được các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao.
 
Ngôi nhà 115 Hàng Bạc trước đây là chủ sở hữu tư nhân do cụ Phạm Văn Thanh và vợ là cụ Phạm Thị Tề đứng tên. Sau năm 1955, ngôi nhà được Nhà nước đưa vào diện cải tạo. Chủ sở hữu tư nhân sử dụng toàn bộ tầng 2 còn nhà nước quản lý toàn bộ tầng 1 và cho 5 hộ dân thuê.
 
Theo hồ sơ kỹ thuật thửa đất của Phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàn Kiếm, công trình hiện có diện tích 550m2. Không gian của công trình được chia làm 2 phần chủ yếu, vườn rộng 180m2 và nhà rộng 200m2; còn lại là đường đi, lối, ngõ, bếp, công trình phụ...
 
Cụ Phạm Thị Tề, 97 tuổi, chủ ngôi nhà vườn cổ duy nhất còn lại trong phố cổ Hà Nội cho PV Dân trí biết: Năm 1945, gia đình cụ là chủ hiệu vàng Sư Tử đã mua ngôi nhà 115 Hàng Bạc (có cổng sau là số 6 Đinh Liệt) được xây vào khoảng đầu thế kỷ XX với giá 100 cây vàng. Trước ngôi nhà là khuôn viên có bể cá, tháp nước, trồng cau, trúc quân tử... khiến giữa cái ồn ào, tấp nập của phố phường, ngôi nhà càng trở nên quý giá.
 
Hàng chục năm qua, dù biết giá trị của mảnh đất vô cùng lớn, song gia đình chúng tôi vẫn quyết tâm giữ gìn, không xây dựng, không chia cho con cháu để hôm nay Hà Nội còn có một nhà vườn cổ, được ghi nhận là một trong những địa chỉ tham quan của du khách quốc tế.
 
“Số phận” nhà vườn cổ phụ thuộc vào... Thành phố - 2
Một căn bếp “vô duyên” của một hộ dân đã phá vỡ khu nhà vườn cổ kính (ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Tuy nhiên, sau bao nỗ lực gìn giữ bảo tồn không gian kiến trúc, nhà vườn trên đang bị thu nhỏ, bị phá hỏng bởi một số hộ dân cùng sinh sống trong số nhà lấn chiếm, cơi nới trái phép.
 
Trước sự việc trên, Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội đều có văn bản chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm giải quyết dứt điểm vụ việc. Nhưng rất tiếc, đến nay sự việc trên vẫn “dậm chân tại chỗ”.
 
Hiện, gia đình cụ Phạm Thị Tề và công luận trông chờ vào Quyết định của UBND TP Hà Nội chấp thuận trước đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm cho phép cơ quan này được đầu tư, lập dự án GPMB, bảo tồn tôn tạo công trình trên; đồng phải có biện pháp xử lý dứt điểm các công trình xây dựng trái phép, để trả lại cảnh quan vốn có của khu nhà vườn cổ.
 
“Đây là ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong phố cổ Hà Nội được các chuyên gia trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao. Các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu công trình này trong cuốn sách “The 36 guild streets area Hanoi’s Ancien Quarter” (Hà Nội 36 phố phường). Việc xuất hiện căn bếp của một gia đình ở khu vườn nhà cổ trên đã phá vỡ cảnh quan, cấu trúc cổ kính của một căn nhà vườn cổ” - ông Trần Việt Anh - Phó Trưởng ban Thường trực - Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết.
 
Vũ Văn Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm